Tỷ trọng USD trong dự trữ toàn cầu thấp nhất 25 năm

0
392

Tỷ lệ tài sản được định giá bằng USD trong dự trữ ngoại tệ toàn cầu năm 2020 giảm năm thứ năm liên tiếp, xuống còn 59%, thấp nhất 25 năm.

Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là việc nhiều nước như Trung Quốc và Nga đẩy mạnh đa dạng dự trữ bởi lo lắng về triển vọng của USD.

Vốn là tài sản có thanh khoản cao, trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều năm qua luôn có trong các dự trữ ngoại tệ các nước. Chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước coi dự trữ này như nguồn quỹ dự phòng trong trường hợp có vấn đề khẩn cấp về tiền tệ.

Tuy nhiên, dữ liệu từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, USD có thể đang mất dần đi sức hấp dẫn trong vai trò đồng tiền dự trữ. Khi Covid-19 đang khiến cho thâm hụt tại Mỹ tăng cao, tạo ra tâm lý hoài nghi về giá trị lâu dài của USD, giới chức trên toàn thế giới bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các loại tài sản thay thế cũng như các tài sản phi tiền tệ kiểu như vàng.

Giao dịch USD tại một ngân hàng thương  mại ở TP HCM. Ảnh: Lệ Chi.

Giao dịch USD tại một ngân hàng thương mại ở TP HCM. Ảnh: Lệ Chi.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Mizuho, ông Daisuke Karakama, phân tích: “Chính phủ nhiều nước mới nổi can thiệp vào thị trường tiền tệ để ngăn đồng nội tệ tăng giá gây ảnh hưởng đến xuất khẩu”. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng đã phát hành thêm trái phiếu chính phủ để có tiền cho các gói kích thích kinh tế quy mô lớn trong bối cảnh đại dịch phức tạp.

Theo số liệu thống kê từ 149 nước và vùng lãnh thổ của IMF, dự trữ ngoại tệ toàn cầu ở thời điểm cuối năm 2020 ước tính 12.700 tỷ USD. Tài sản bằng đồng USD tăng 4% lên 7.000 tỷ USD.

Tính trong tỷ lệ dự trữ ngoại tệ nói chung, tỷ lệ tài sản tính bằng USD giảm 1,7% xuống còn 59% tính đến cuối năm 2020. Lần gần nhất tỷ lệ này giảm xuống dưới ngưỡng 60% là năm 1995.

Trước đó, cuối năm 2001, tỷ lệ tài sản bằng USD chiếm khoảng 70% tổng dự trữ toàn cầu, từ đó đến nay tỷ lệ này không ngừng giảm.

Việc USD giảm giá trong năm 2020 có thể coi như yếu tố khiến cho dự trữ bằng đồng tiền này giảm trong năm ngoái. Thế nhưng, theo phân tích của hai chuyên gia thuộc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), ông Serkan Arslanalp và Chima Simpson-Bell, nếu nhìn về dài hạn, giá trị của USD nhìn chung không thay đổi, trong khi đó tỷ lệ của USD trong dự trữ toàn cầu giảm đi. Như vậy, rõ ràng các ngân hàng trung ương đang có sự dịch chuyển.

Bộ Tài chính Mỹ công bố cuối năm 2020, Trung Quốc nắm 1.070 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, giảm gần 20% so với mức đỉnh cách đây 7 năm. Chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty chứng khoán SMBC Nikko, ông Kota Hirayama, phân tích: “Phần lớn trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ là một phần trong dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc”.

Theo một số nhà quan sát thị trường, việc Trung Quốc bán trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ bắt đầu diễn ra sau khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021.

Dự trữ của Nga đồng thời cũng đang giảm. Dự trữ ngoại tệ của Nga trong đó có vàng ước tính 578,7 tỷ USD tính đến cuối tháng 9/2020, theo số liệu của Ngân hàng trung ương Nga. Tài sản được định giá bằng USD tương đương khoảng 20% trong dự trữ này, giảm đáng kể so với tỷ lệ 50% năm 2017.

Nga đã bắt đầu bán tài sản bằng USD khi chính quyền Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế sau khi Nga chiếm đóng Crimea. Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil cũng giảm sở hữu trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ trong những năm gần đây.

Nhiều nước đang chuyển sang nắm giữ tài sản được định giá bằng các loại tiền tệ khác. Tài sản bằng euro chiếm 21% trong tổng dự trữ toàn cầu vào cuối năm 2020, theo số liệu của IMF. Tỷ lệ này đã hồi phục lên mức tương đương của 6 năm trước. Theo phân tích của nhiều chuyên gia thị trường, euro được chuộng hơn sau khi Liên minh châu Âu (EU) phát hành trái phiếu thay mặt cho tất cả các nước thành viên nhằm có tiền ứng phó với đại dịch Covid-19.

Tài sản bằng yen cũng tăng lên trên ngưỡng 6% lần đầu tiên trong vòng 2 thập kỷ. Nhà đầu tư Trung Quốc mua ròng 2.200 tỷ yen tức 20,2 tỷ USD trái phiếu trung và dài hạn của Nhật trong năm 2020. Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuyển nắm giữ tài sản bằng USD sang tài sản bằng yen.

Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng đang được quan tâm nhiều hơn, hiện chiếm 2% tài sản trong dự trữ ngoại tệ thế giới. Điển hình như Nga đang quan tâm đến tài sản đồng nhân dân tệ nhiều hơn khi tỷ lệ dự trữ tài sản đồng tiền này trong tổng dự trữ ngoại tệ quốc tế của Nga ước tính khoảng 12,3% vào tháng 9/2021, tăng đột biến so với con số 0,1% của tháng 6/2017.

Vàng, loại tài sản có giá trị không ràng buộc vào bất kỳ chính phủ nào, cũng đang được quan tâm nhiều hơn. Ngân hàng trung ương nhiều nước đã không ngừng mua ròng vàng trong suốt thập kỷ qua, theo Hội đồng vàng thế giới (WGC).

Trong dự trữ tài sản quốc tế của Nga, vị trí của vàng đã vượt USD trong năm 2020. Còn ngân hàng trung ương Hungary vào tháng 3/2021 cũng đã tăng gấp 3 tỷ lệ nắm giữ vàng trong tổng dự trữ của nước này, hiện Hungary đang có ước tính 94,5 tấn vàng.

DauTuMy.vn

Bình luận đã bị đóng.