Sau Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ cũng đang thực hiện các bước để siết chặt các giao dịch, thị trường tiền số nhằm ngăn chặn trốn thuế.
“Tiền số đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bất hợp pháp trên diện rộng, bao gồm cả trốn thuế”, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một thông cáo. Bất kỳ giao dịch tiền số nào trị giá từ 10.000 USD trở lên đều phải báo cáo với Sở Thuế vụ Mỹ (IRS).
Theo cơ quan này, đây là lý do Tổng thống Joe Biden đề nghị bổ sung nguồn lực cho IRS để xử lý vấn đề liên quan đến sự phát triển của các tài sản điện tử. Theo quy định mới, các tài khoản giao dịch tiền mã hoá, tài sản điện tử, cũng như tài khoản dịch vụ thanh toán chấp nhận tiền mã hoá sẽ được quản lý. Cũng như các giao dịch tiền mặt, những doanh nghiệp nhận tài sản điện tử có giá trị trên thị trường hơn 10.000 USD cũng sẽ được báo cáo lên cơ quan thuế.
Thông tin này lập tức khiến Bitcoin mất đà phục hồi và lại mất mốc 40.000 USD. Hôm 19/5, sau khi Trung Quốc cảnh báo rủi ro tiền số, Bitcoin đã lao dốc, có thời điểm xuống dưới 32.000 USD. Tuy nhiên, nhờ lực bắt đáy tăng mạnh đồng tiền đã tăng trở lại, lên đến hơn 42.000 USD hôm 20/5.
Động thái của Bộ Tài chính Mỹ là biện pháp mạnh hơn của chính quyền Biden để kiểm soát tình trạng trốn thuế và thúc đẩy việc tuân thủ tốt hơn. Các cơ quan của Mỹ đang cân nhắc đề xuất hỗ trợ IRS công nghệ và hình phạt nghiêm khắc hơn với những người trốn thuế.
Đảng Dân chủ và Cộng hoà cũng coi thiết lập quy định về tiền mã hoá là ưu tiên hàng đầu trong năm 2021 khi giá Bitcoin và các tài sản điện tử tăng vọt năm ngoái. Điều này làm dấy lên lo ngại về thao túng thị trường và các khoản đầu tư nhỏ lẻ không đầy đủ thông tin.