Nỗi sợ của bệnh nhân Mỹ

0
350

Hơn 27,5 triệu người không có bảo hiểm y tế run sợ khi dịch Covid-19 quét qua bởi tiền khám và nằm viện sẽ rất nặng nếu họ ngã bệnh.

Bài viết liên quan: Giám sát y tế hàng nghìn người tại Mỹ

Như nhiều người Mỹ, Danjale Williams cảm thấy lo khi bệnh dịch diễn biến khó lường, trở thành mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng đối với bất cứ ai. Song điều làm cô sợ hãi hơn cả là khoản chi phí lớn sẽ phải trả nếu không may nhiễm bệnh. Nữ nhân viên pha chế 22 tuổi nằm trong số 27,5 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế.

“Tôi chắc chắn sẽ suy nghĩ kỹ trước khi quyết định đến bác sĩ bởi hóa đơn tiền khám thật điên rồ. Nếu đến bệnh viện, tôi sẽ không có đủ tiền để sống”, cô nói.

Covid-19 bắt đầu lan rộng ở phía tây nước Mỹ, nơi ghi nhận ca tử vong đầu tiên vào ngày 29/2. Các chuyên gia y tế công cộng cảnh báo, trong số các nước phát triển, Mỹ có nhiều điểm đặc thù khiến dễ bị tổn thương trước dịch bệnh. Số người không có bảo hiểm y tế gia tăng nhanh chóng, dân nhập cư không dám tìm kiếm sự giúp đỡ tử chính quyền và văn hóa ngại nghỉ làm khi đau ốm vì sợ mất việc.

“Đây là tất cả các yếu tố có thể khiến virus tiếp tục lây lan”, Brandon Brown, chuyên gia dịch tễ tại Đại học California, Riverside nhận định.

Một cửa hiệu tại New York dán biển báo “Đã hết khẩu trang”. Ảnh: Tân Hoa Xã

Năm 2010, khi tổng thống Obama thực thi Obamacare, lượng người Mỹ không có bảo hiểm y tế giảm đáng kể từ mức 46,7 triệu. Song con số này tăng trở lại trong hai năm qua.

Thông thường, các chuyên gia y tế công có xu hướng lo ngại về sức ảnh hưởng của đại dịch đối với các khu vực kém phát triển trên thế giới như châu Phi hoặc Nam Á. Đây là các vùng không được trang bị đầy đủ vật tư y tế để ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm và khó lòng chăm sóc bệnh nhân nặng cần hỗ trợ hô hấp – điều thiết yếu trong điều trị Covid-19.

Ngược lại, Mỹ sở hữu hệ thống y tế tốt nhất thế giới. Song nó bỏ qua những người không có bảo hiểm hoặc chưa đủ nghèo để nhận trợ cấp xã hội.

Khám bệnh ngoài bảo hiểm tại đây thường có giá hàng trăm USD mỗi lần.

“Tôi nghĩ điều này có thể khiến virus lây lan một cách bền vững, lột trần sự cách biệt về chăm sóc sức khoẻ mà chúng ta nhận thấy từ lâu, đang cố gắng giải quyết nhưng chưa tìm ra phương hướng khả thi”, Brian Garibaldi, giám đốc y tế của Đơn vị Bảo tồn Sinh học Bệnh viện Johns Hopkins, nói.

Song bệnh nhân Covid-19 không hẳn vô vọng. Luật pháp nước Mỹ quy định người dân được quyền nhận hỗ trợ y tế cần thiết khi đang ốm, bất kể khả năng tài chính.

Abigail Hansmeyer, một công dân bang Minnesota và chồng cô đều không có bảo hiểm. “Nếu bị ốm, chúng tôi có thể đến thẳng phòng cấp cứu”, cô nói. Nhưng họ phải đối mặt với hóa đơn khám bệnh và thuốc men sau đó.

“Vì vậy chúng tôi cần cân nhắc rất kỹ về chi phí trong mọi tình huống”, người phụ nữ 29 tuổi cho biết.

Thông điệp chính về Covid-19 mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra là tự cách ly tại nhà nếu có triệu chứng về hô hấp nhẹ, đi khám nếu thấy thực sự cần thiết. Song rất nhiều người, tùy theo công việc và địa vị, lại không thể làm điều này.

Mỹ là quốc gia duy nhất trong nhóm các nước phát triển không có chế độ nghỉ ốm nguyên lương. Dù các công ty tư nhân cho nhân viên 8 ngày phép mỗi năm, chỉ 30% tầng lớp lao động thu nhập thấp được phép hưởng lương nếu nghỉ ốm, theo thông tin từ Viện Chính sách Kinh tế. Đối với nhiều người, vắng mặt dù chỉ một ngày cũng có thể khiến tài chính trở nên khó khăn.

Cuộc khảo sát tháng 10/2019 trên 2.800 nhân viên tại công ty kế toán Robert Half cho thấy 57% trong số đó thỉnh thoảng đi làm khi bị ốm. 33% luôn luôn làm điều này.

Nguồn: Vnexpress.net – Thục Linh (Theo AFP)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *