OECD xem xét cách đánh thuế mới với Facebook, Google

0
226
OECD xem xét cách đánh thuế mới với Facebook, Google
OECD xem xét cách đánh thuế mới với Facebook, Google

OECD xem xét cách đánh thuế mới với Facebook, Google

Facebook, Google, Apple, Amazon… có thể nằm trong tầm ngắm của đề xuất đánh thuế trên tỷ suất lợi nhuận và doanh thu mà OECD đang cân nhắc.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang xem xét đề xuất của Mỹ về việc đặt ra một quy tắc quốc tế cho cách đánh thuế các công ty toàn cầu có doanh thu hàng năm vượt quá 10 tỷ USD hoặc có tỷ suất lợi nhuận trên 15% hoặc 20%.

Đề xuất của Mỹ không nêu tên bất kỳ công ty nào, nhưng những công ty sẽ rơi vào diện này chắc chắn có nhóm GAFA, tức Google, Amazon, Facebook và Apple. Tổng cộng, nếu áp dụng theo khung này, có khoảng 100 công ty toàn cầu bị ảnh hưởng.

Nhóm GAFA sẽ là 4 trong 100 công ty bị ảnh hưởng trong đề xuất cách đánh thuế kỹ thuật số của OECD. Ảnh: Nikkei.

Các quy định thuế doanh nghiệp truyền thống nhắm vào các nhà máy, cửa hàng và các tài sản nắm giữ trong thế giới thực khác. Nhưng nền kinh tế kỹ thuật số hiện cho phép các tập đoàn cung cấp dịch vụ trên toàn cầu – và không nhất thiết phải thông qua các tài sản vật lý. Điều này khiến các nhà quản lý kêu gọi các quy tắc cập nhật phù hợp hơn với sân chơi mới.

Tháng 10/2020, OECD đã công bố đề xuất thiết lập tiêu chuẩn đánh thuế dựa trên các loại dịch vụ như quảng cáo trực tuyến và dịch vụ đám mây. Tuy nhiên, các nước tham gia cho biết họ sẽ gặp khó trong việc xác định các dịch vụ nào là đám mây.

Vì thế, Mỹ đưa lên đề xuất đánh thuế dựa trên tỷ suất lợi nhuận và doanh thu, nhằm đơn giản hơn. Chính quyền Mỹ trước đây của Tổng thống Donald Trump đã chống lại việc nhắm mục tiêu vào các công ty Mỹ, nhưng chính quyền của Tổng thống Joe Biden có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, và đang nhận được đánh giá tích cực từ các quốc gia khác.

OECD ngày càng cảnh giác với các quy tắc đánh thuế kỹ thuật số do các quốc gia và khu vực như Ấn Độ và EU tự thiết lập riêng. Việc trì hoãn một thỏa thuận về một quy tắc chung có thể tạo ra khoảng cách giữa các quốc gia.

Tổ chức này đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận vào giữa năm, có lẽ sớm nhất là vào tháng 7, tại cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương từ 20 quốc gia công nghiệp và thị trường mới nổi tại Italy.

Phiên An (theo Nikkei)

SHARE

Bình luận đã bị đóng.