2020 – năm muốn quên của Trump

0
277
2020 - năm muốn quên của Trump
2020 - năm muốn quên của Trump

2020 – năm muốn quên của Trump

Đây chắc hẳn không phải là năm 2020 mà Trump đã hình dung, khi xem xét bãi nhiệm, Covid-19, thất bại bầu cử “nhấn chìm” ông chủ Nhà Trắng.

Năm 2020 đã bắt đầu bằng việc Tổng thống Donald Trump vướng vào quá trình xem xét bãi nhiệm kéo dài cả tháng, trong đó tập trung xem xét chiến dịch gây áp lực của ông với tổng thống Ukraine để điều tra cha con cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ chạy đua vào Nhà Trắng.

Đến giờ nhìn lại đây có lẽ vẫn là khoảng thời gian dễ dàng với Trump trong năm nay. Bởi sự nổi lên của Biden sau các vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ và Covid-19, đại dịch khiến gần 300.000 người Mỹ tử vong, mới là phần khó khăn nhất đối với Trump trong năm nay, khi ông theo đuổi giấc mơ tái tranh cử.

Khoảnh khắc Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (áo trắng) xé bản sao Thông điệp Liên bang tại Đồi Capitol tối 4/2. Ảnh: NYTimes.

Khoảnh khắc Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (áo trắng) xé bản sao Thông điệp Liên bang tại Đồi Capitol tối 4/2. Ảnh: NYTimes.

Được Thượng viện Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát đảm bảo tha bổng, Tổng thống Trump dùng chính Thông điệp Liên bang để tuyên bố về nhiệm kỳ hai. Khoảnh khắc đáng nhớ nhất tối 4/2 là khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi xé bản sao Thông điệp Liên bang ngay sau bài phát biểu của Trump. Trong khi đó, những lời cổ vũ “bốn năm nữa” dành cho Trump của các nhà lập pháp Cộng hòa càng cho thấy rõ cảnh tượng chia rẽ rõ rệt giữa hai đảng.

Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ dẫn đầu mở cuộc điều tra xem xét bãi nhiệm Trump hồi tháng 9/2019 và chuyển hai điều khoản xem xét bãi nhiệm Trump lên Thượng viện hồi tháng một. Kết quả Thượng viện tha bổng Trump là điều dễ đoán vì 53 trong số 100 thượng nghị sĩ là đảng viên Cộng hòa và Trump sẽ chỉ bị phế truất nếu 2/3 thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại ông.

Sau đó, Tổng thống Trump đã trở lại chiến dịch vận động tranh cử và thường xuyên tới thăm các bang nơi phe Dân chủ tổ chức các cuộc tranh cử sơ bộ.

Khó khăn của việc xem xét bãi nhiệm lắng xuống cũng là lúc Trump phải đối mặt với làn sóng Covid-19 tấn công nước Mỹ. Trump hồi tháng 2 từng đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của nCoV, virus khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ hồi tháng 12/2019. Trong bài phát biểu từ Phòng Bầu dục hồi tháng 3, ông đã rất khó khăn để thừa nhận đại dịch ngày càng nghiêm trọng, dù vẫn phủ nhận nó là mối đe dọa cho tương lai đất nước. Trump khi đó mô tả nCov là “virus nước ngoài”, khi đổ lỗi cho Trung Quốc và châu Âu làm bùng phát đại dịch.

Các buổi họp báo của nhóm chuyên trách chống Covid-19 ban đầu cho Phó tổng thống Mike Pence chủ trì. Nhưng Tổng thống Trump đã nhanh chóng “chiếm sóng”, biến chúng thành các buổi tranh luận bảo vệ cách ứng phó với đại dịch của ông. Ông đã được thuyết phục dừng các buổi họp báo sau khi chứng kiến tỷ lệ ủng hộ sụt giảm trong các cuộc khảo sát dư luận, nhưng việc dừng này chỉ là tạm thời.

Hồi tháng 4, Trump đăng bài trên Twitter với nội dung “giải phóng Michigan!”, “giải phóng Minnesota!”, nhằm khuyến khích người ủng hộ biểu tình phản đối các thống đốc Dân chủ áp các hạn chế phòng dịch. Lời kêu gọi của Trump càng khiến tình trạng chia rẽ đảng phái trong phản ứng chống dịch của Mỹ thêm sâu sắc.

Tổng thống Trump cầm cuốn kinh thánh chụp ảnh tại một nhà thờ gần Nhà Trắng hôm 1/6. Ảnh: NYTimes.

Tổng thống Trump cầm cuốn kinh thánh chụp ảnh tại một nhà thờ gần Nhà Trắng hôm 1/6. Ảnh: NYTimes.

Sau khi George Floyd, người đàn ông da màu chết vì bị cảnh sát Minneapolis ghì gáy gần 9 phút, làn sóng biểu tình chống biệt chủng tộc lan khắp nước Mỹ. Cảnh sát đã dùng hơi cay và đạn cao su để dẹp người biểu tình ôn hòa ở Công viên Lafayette, đối diện Nhà Trắng, để Trump có thể chụp ảnh ở nhà thờ gần đó.

Chiến dịch tranh cử của Trump đã thổi phồng sự kiện vận động tranh cử ở Tulsa, bang Oklahoma hồi tháng 6. Dù chiến dịch tuyên bố rằng gần một triệu người đã đăng ký tham gia, Tổng thống Trump đã phải phát biểu trước một hội trường với nhiều khu vực khán đài gần như trống trơn. Đây là một dấu hiệu cho thấy ngay cả những người ủng hộ Trump cũng sợ Covid-19, bất chấp ông nỗ lực hạ thấp mối đe dọa của nó.

Khi có bài phát biểu tại núi Rushmore ngay trước ngày quốc khánh 4/7, Tổng thống Trump đã khơi mào cuộc chiến văn hóa khi cáo buộc người biểu tình Mỹ đang thực hiện “chiến dịch tàn nhẫn nhằm xóa sạch lịch sử đất nước”.

Dù Trump liên tục khẳng định “nCoV sẽ biến mất”, nhiều bang ở Mỹ đang chứng kiến ca nhiễm mới tăng mạnh trở lại. Mỹ ngày 3/7 ghi nhận thêm hơn 51.000 ca nhiễm nCoV trong 24h, mức kỷ lục từ khi dịch bùng phát. Covid-19 bùng phát trở lại khiến nhiều bang phải dừng kế hoạch mở cửa nền kinh tế và siết chặt thêm nhiều biện pháp hạn chế.

Điều này khiến chỉ trích về cách đối phó với đại dịch của Trump ngày càng tăng. Kết quả nhiều cuộc khảo sát về bầu cử thời điểm đó cũng bất lợi với Trump, khi ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang “thắng thế” ở một số bang chiến địa.

Sau hai lần đổi địa điểm tổ chức Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa (RNC), Tổng thống Trump hồi tháng 8 cuối cùng quyết định đọc bài phát biểu tái tranh cử ở bãi cỏ phía nam Nhà Trắng.

Chiến dịch tranh cử của Trump khẳng định việc tổ chức sự kiện chính trị hàng đầu trên khu vực tài sản của chính phủ không vi phạm Đạo luật Hatch. Nhưng sự kiện này tượng trưng cho sự phá bỏ cuối cùng ranh giới giữa việc điều hành đất nước và vận động tranh cử mà Tổng thống Trump đã làm xói mòn trong nhiều năm qua, theo Annie Karni, biên tập viên của NYTimes.

Một ngày sau khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg qua đời hồi tháng 9, Trump và Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số Thượng viện, đã liên lạc với Thẩm phán Amy Coney Barrett về việc đề cử bà vào vị trí trống trong Tòa án Tối cao. Hai ngày sau, họ thông báo đề cử bà.

Tổng thống Trump đã chủ trì một buổi lễ công bố đề cử chính thức tại Nhà Trắng vào cuối tuần sau đó với sự tham dự của Thẩm phán Barrett, gia đình và các nhà lập pháp Cộng hòa. Rất ít người tham dự đeo khẩu trang và quy định giãn cách xã hội ngăn đại dịch cũng không được duy trì.

Tổng thống Trump (trái) và Joe Biden trong cuộc tranh luận đầu tiên ở Cleveland, bang Ohio hôm 29/9. Ảnh: NYTimes.

Tổng thống Trump (trái) và Joe Biden trong cuộc tranh luận đầu tiên ở Cleveland, bang Ohio hôm 29/9. Ảnh: NYTimes.

Trong cuộc tranh luận đầu tiên với Biden hồi cuối tháng 9, Trump đã liên tục ngắt lời Biden gần như mỗi khi ứng viên Dân chủ lên tiếng. Cuộc tranh luận đã bị chỉ trích như “nỗi ô nhục”, “hỗn loạn ở Cleveland”, “tai nạn tàu hỏa”, gây ảnh hưởng xấu tới Trump trong các cuộc khảo sát dư luận sau đó.

Chưa đầy 48 tiếng sau cuộc tranh luận này, Trump đăng bài Twitter rằng ông và Đệ nhất phu nhân Melania dương tính với nCoV. Ông đã được đưa tới Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed ở Maryland, được điều trị trong ba ngày trước khi trở về Nhà Trắng tối 5/10. Bác sĩ Nhà Trắng Sean P. Conley khi đó đã khiến dư luận khó hiểu với những cập nhật về sức khỏe của Tổng thống Mỹ.

Khi trở lại Nhà Trắng, Trump tiếp tục gửi đi thông điệp “đừng sợ nCoV” tới người dân Mỹ. “Đừng sợ nó. Các bạn sẽ đánh bại nó”, Trump nói và nhấn mạnh thêm rằng ông cảm thấy “khỏe hơn so với 20 năm trước”.

Giới chuyên gia y tế chỉ trích thông điệp của Tổng thống là “nguy hiểm” vì nó khuyến khích những người ủng hộ ông bỏ qua các khuyến nghị cơ bản để giữ an toàn cho bản thân.

Tổng thống Trump tại Nhà Trắng tối 5/10 sau khi rời Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed. Ảnh: NYTimes.

Tổng thống Trump tại Nhà Trắng tối 5/10 sau khi rời Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed. Ảnh: NYTimes.

Trump đã trở lại chiến dịch vận động tranh cử sau khi phục hồi. Trong những tuần cuối cuộc đua, bất chấp số lượng ca nhiễm tăng vọt trên cả nước, thông điệp hàng đầu của Trump gửi tới người ủng hộ là tin tưởng rằng thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch đã qua.

Các cố vấn của Trump đã thuyết phục ông tiết chế bản thân trong các cuộc tranh luận tổng thống còn lại. Dù đã có phần thể hiện tốt hơn, Trump dường như không thể làm được nhiều để thay đổi quỹ đạo cuộc đua hay đưa trọng tâm tranh luận ra khỏi vấn đề xử lý đại dịch của ông.

8 ngày trước bầu cử, Trump đã giành được xác nhận cho đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao thứ 3 của ông. Tổng thống Mỹ đã nhanh chóng tổ chức buổi lễ thông báo tại Nhà Trắng.

Tổng thống Trump đã hoạt động “hết công suất” trong những ngày cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử. Điểm dừng chân cuối cùng trong chiến dịch là Michigan, giống như lịch trình 4 năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ Trump ngày càng giảm trong các cuộc khảo sát dư luận khiến không ít đồng minh và người ủng hộ cảm thấy lo lắng. Lo lắng của họ đã thành sự thật.

Tổng thống Trump tại Phòng Bầu dục Nhà Trắng hôm 3/12. Ảnh: NYTimes.

Tổng thống Trump tại Phòng Bầu dục Nhà Trắng hôm 3/12. Ảnh: NYTimes.

Thất bại trước Joe Biden và cuộc chiến pháp lý về kết quả bầu cử chưa có dấu hiệu kết thúc đang dần khép lại một năm “muốn quên” của Trump. Bề ngoài, Tổng thống Mỹ vẫn công khai cáo buộc bầu cử gian lận và tuyên bố không nhượng bộ. Nhưng ông dường như đã nhiều lần ngầm nhận thua.

“Tổng thống Trump ngày càng hết lựa chọn và mỗi tuần trôi qua, ông ấy bắt đầu nói nhiều hơn như thể biết mình đã thất bại”, Amber Phillips, nhà phân tích của Washington Post, từng nhận định.

Thanh Tâm (Theo NYTimes, Vanity Fair)

SHARE

Bình luận đã bị đóng.