Doanh số ngành bán lẻ Mỹ trong tháng đầu năm 2023 đã tăng mạnh đột biến bất kể mối lo sợ về lạm phát và khả năng suy thoái.
Người tiêu dùng Mỹ bất ngờ quay trở lại mua sắm mạnh tháng trước khiến doanh số bán lẻ tăng 3%, mức tăng hàng tháng cao nhất trong 2 năm qua. Theo nhận định của tờ Tạp chí phố Wall trong bài viết đăng hôm 15/2 đây là một bằng chứng cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ khả quan.
Theo bài viết, doanh số bán lẻ tăng ở hầu hết các lĩnh vực từ nhà hàng, đại lý ô tô, cửa hàng bách hóa, đồ nội thất, đồ gia dụng. Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tại các nhà hàng và quán bar tăng 7,2%, mức cao nhất kể từ 3/2021. Doanh số của các cửa hàng tạp hóa tăng nhẹ và các trạm xăng không thay đổi.
Doanh số bán ô tô và phụ tùng xe hơi, thường là những khoản chi lớn, đã tăng 5,9% sau khi sụt giảm 1,8% trong tháng 12. Bank of America cho biết, chi tiêu bằng thẻ của các hộ gia đình Mỹ trong tháng 1 đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng mạnh so với mức 2,2% của tháng 12.
Sự gia tăng đột biến của doanh số bán lẻ trong tháng đầu năm 2023 sau 3 tháng liên tiếp sụt giảm và đi ngược lại dự đoán của chính các nhà bán lẻ trước đó đã buộc các chuyên gia kinh tế phải đi tìm nguyên nhân. Theo Market Watch có 4 yếu tố tác động tới doanh số bán lẻ Mỹ bất ngờ tăng mạnh trong tháng 1.
Tình hình doanh số ngành bán lẻ Mỹ
Một trong những nguyên nhân chính là cách dữ liệu được điều chỉnh theo mùa. Theo Barron, việc điều chỉnh này phần lớn dựa trên dữ liệu trước COVID-19 và hiện người tiêu dùng Mỹ đang mở rộng thời gian mua sắm tới sau kỳ nghỉ lễ. Vì vậy từ năm 2021 doanh số bán lẻ tháng 1 thường vượt qua tháng 12. Ví dụ như doanh số bán hàng tháng 12/2020 giảm 6,6% nhưng tăng trở lại 19% trong tháng 1/2021. Doanh số bán hàng tháng 12/2021 giảm gần 9% nhưng lại tăng 11% trong tháng tiếp theo.
Một yếu tố khác thúc đẩy sự gia tăng đột biến này là do một bộ phận người tiêu dùng đã kìm hãm chi tiêu trong tháng 12 để chờ giảm giá nhiều hơn trong năm mới. Ví dụ như chương trình khuyến mãi của Nordstrom đã tăng mạnh trong quý cuối cùng của năm tài chính kéo dài đến hết tháng 1.
Yếu tố thời tiết cũng có những tác động nhất định. Theo các chuyên gia, tháng 1 ấm áp hơn của năm nay đã khuyến khích người dân đi ra ngoài mua sắm và thúc đẩy lượng lớn khách đến các nhà hàng. Thực tế, lưu lượng người đến các trung tâm mua sắm trong nhà và ngoài trời trong tháng 1 lần lượt tăng 4,1 và 5,3% so với năm ngoái.
Nhận định của chuyên gia
Lạm phát cũng có thể tác động đến kết quả này. Theo các chuyên gia, giá cả hàng hóa leo thang khiến nhiều người tiêu dùng thay vì mua quà tặng năm mới chuyển sang tặng thẻ mua hàng. Việc sử dụng thẻ quà tặng để mua hàng sau dịp nghỉ lễ cũng có thể đã đóng góp và sự gia tăng của doanh số bán hàng tháng 1.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích cũng cảnh báo sự phát triển đột biến của doanh số bán lẻ vào tháng 1/2023 cũng chỉ mang tính tạm thời, không hoàn toàn là một xu hướng dài hạn. Tất cả sẽ được làm sáng tỏ trong báo cáo doanh thu quý I năm 2023 của lĩnh vực bán lẻ, dự kiến sẽ công bố vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 tới đây.
(Nguồn : vtv.vn)
Xem thêm :