Người Mỹ chán đi làm

0
369
Người Mỹ chán đi làm
Người Mỹ chán đi làm

Tâm lý sợ Covid-19, thay đổi các ưu tiên về công việc hay vướng bận chăm con khiến nhiều lao động Mỹ chưa muốn quay lại làm việc.

Mùa thu từng được các chuyên gia kinh tế kỳ vọng là thời điểm đánh dấu kết thúc tình trạng thiếu lao động đã kìm hãm đà phục hồi kinh tế Mỹ. Trợ cấp thất nghiệp vì Covid-19 của chính phủ không còn được tiếp tục gia hạn. Trường học đang dần mở cửa, giải phóng các bậc phụ huynh. Vì thế, không có lý do gì người lao động không quay trở lại làm việc.

Nhưng thực tế là lực lượng lao động tại Mỹ đã giảm trong tháng 9, ít hơn 5 triệu người so với trước đại dịch.

Người dân xếp hàng trước một trung tâm giới thiệu việc làm ở Louisville, Mỹ, hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

Người dân xếp hàng trước một trung tâm giới thiệu việc làm ở Louisville, Mỹ, hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

Việc người lao động quay lại làm việc một cách chậm chạp đang khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đau đầu. Ông vốn đặt kỳ vọng sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ để tạo động lực cho các chương trình nghị sự của mình. Các nhà dự báo phần lớn đều không biết tình trạng trên sẽ kéo dài bao lâu.

Phe bảo thủ đổ lỗi cho các khoản trợ cấp thất nghiệp hào phóng của chính phủ đã giữ chân người lao động ở nhà, nhưng bằng chứng từ các bang kết thúc sớm chương trình trợ cấp này cho thấy tác động là rất nhỏ. Những người cho rằng các công ty có thể tìm được công nhân nếu họ trả nhiều tiền hơn, song tình trạng thiếu hụt lao động không chỉ diễn ra ở các ngành có mức lương thấp.

Các nhà kinh tế chỉ ra một loạt yếu tố liên quan tới nhau đã tạo ra cơn khát lao động của Mỹ và một số điều khó có thể được khắc phục trong thời gian ngắn.

Cuộc khủng hoảng y tế Covid-19 vẫn khiến một số nhóm lao động khó quay lại làm việc hoặc đối diện với nguy cơ cao, trong khi những khoản tiết kiệm tích lũy được trong thời kỳ dịch nhờ trợ cấp và hạn chế chi tiêu khiến một số người khác dễ dàng từ chối các công việc mà họ không mong muốn.

Yếu tố tâm lý cũng có thể đóng một vai trò nào đó. Các cuộc khảo sát cho thấy đại dịch đã khiến nhiều người phải suy nghĩ lại về những ưu tiên của họ và cơ hội việc làm ít ỏi sau đại dịch có thể khiến một số người quyết định chờ đợi thêm các công việc tốt hơn.

Kết quả là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, người lao động vốn luôn ở thế dưới trước nhà tuyển dụng có đòn bẩy để mặc cả. Họ giờ đây dùng nó để không chỉ yêu cầu mức lương cao hơn mà còn cả giờ làm việc linh hoạt, phúc lợi hào phóng và điều kiện làm việc tốt hơn.

Kỷ lục hơn 4,3 triệu người đã bỏ việc vào tháng 8 tại Mỹ, trong một số trường hợp là chuyển việc để có vị trí với thu nhập tốt hơn.

“Cứ như thể cả quốc gia đang tham gia vào một cuộc đàm phán lại”, Betsey Stevenson, nhà kinh tế học tại Đại học Michigan, nhận xét. “Tôi không biết ai sẽ thắng trong cuộc thương lượng này, nhưng hiện tại có vẻ người lao động đang thắng thế”.

Rachel Eager đã dành mùa thu năm ngoái ở nhà, tham gia lớp học cuối cùng để lấy bằng cử nhân qua Zoom trong lúc chờ được gọi lại làm công việc của mình ở New York. Nhưng cuộc gọi đó không bao giờ đến.

Vậy nên, Eager, 25 tuổi, đang tìm việc. Cô đã nộp đơn ứng tuyển hàng chục vị trí và có một số cuộc phỏng vấn nhưng đến nay vẫn chưa gặp may. Dù vậy, cô không quá gấp gáp. Eager cho biết cô vẫn lo lắng về nguy cơ mắc Covid-19, vì thế, cô muốn tìm công việc nào đó có thể làm từ xa và nếu thực sự phải nhận công việc làm trực tiếp, cô muốn nó phải xứng đáng với những rủi ro bệnh tật đi kèm. Cô cũng không muốn một công việc lương thấp, thời gian kém linh hoạt và phúc lợi ít.

“Nhiều người đã nhận thấy rằng cách mọi thứ diễn ra trước đại dịch là không bền vững và không đem lại lợi ích cho họ”, Eager nói. Cô đã nộp đơn xin việc trong lĩnh vực phân tích dữ liệu, quản lý tổ chức phi lợi nhuận cùng một số lĩnh vực khác có tính mục tiêu cao hơn cũng như mức lương và phúc lợi tốt hơn.

Eager cho hay cô luôn cẩn thận về tiền bạc và một năm qua, cô đã có được một khoản tiền tích lũy nhỏ nhờ không đi đâu kết hợp tiết kiệm trợ cấp thất nghiệp cùng các khoản hỗ trợ khác.

“Tình hình tài chính của tôi khá ổn và đây là 99% lý do tôi có quyền lựa chọn công việc cho mình”, cô chia sẻ.

Người Mỹ đã tiết kiệm hàng nghìn tỷ USD kể từ khi đại dịch bắt đầu, hầu hết tập trung ở nhóm lao động có thu nhập cao, những người chủ yếu vẫn giữ được việc làm, giảm chi tiêu cho việc ăn hàng hay đi nghỉ mát, đồng thời hưởng lợi từ thị trường chứng khoán tăng vọt.

Nhưng ngay cả những lao động thu nhập thấp cũng có thể để dành được tiền nhờ các gói cứu trợ đại dịch của chính phủ, không chỉ bao gồm tiền mặt trợ cấp trực tiếp mà còn gồm cả các khoản hỗ trợ khác như lương thực, thực phẩm hay chính sách hoãn trả lãi vay mua nhà.

Theo các nhà kinh tế học, những khoản tiết kiệm thêm không nhất thiết là lý do khiến người lao động lưỡng lự quay trở lại làm việc, nhưng nó khiến họ trở nên kén chọn hơn và họ thực sự có lý do chính đáng để kén chọn.

Ngoài những mối quan ngại về sức khỏe, vấn đề chăm sóc trẻ em cũng là một yếu tố ảnh hưởng khác. Nhiều trường học đã tổ chức lại lớp học bình thường, nhưng phụ huynh ở một số nơi vẫn phải vật lộn với việc phải cách ly hay con em phải quay lại học online do xuất hiện ca Covid-19 mới ở trường. Không ít bậc cha mẹ có con nhỏ gặp khó khăn trong việc tìm nhà trẻ, phần vì chính ngành này cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân sự.

Liz Kelly-Campanale, 37 tuổi, ở Portland, Oregon, năm ngoái bỏ công việc sản xuất rượu để ở nhà chăm sóc hai con nhỏ. Cô tính đi làm trở lại khi trường học nối lại giảng dạy trực tiếp vào mùa thu này. Nhưng biến chủng Delta đã làm thay đổi kế hoạch đó.

“Nếu bạn bị nhiễm, đột nhiên con bạn sẽ không được đến trường trong 10 ngày. Với những người có thể làm việc tại nhà, mọi chuyện dường như dễ dàng hơn, nhưng tôi không thể lái xe nâng quanh nhà được”, Kelly-Campanale nói, đề cập đến công việc mà cô thường làm tại nơi sản xuất rượu.

Kelly-Campanale cho biết có thể sẽ đi làm lại khi hai con cô, một 6 tuổi, một ba tuổi, được tiêm vaccine đầy đủ và dịch bệnh được kiểm soát. Nhưng dịch bệnh cũng khiến cô cân nhắc lại các ưu tiên của mình.

“Tôi đã nhận ra bản thân bị bó buộc như thế nào với công việc mà mình từng làm để kiếm sống. Thay đổi điều này là một sự điều chỉnh lớn của tôi và sau đó, rõ ràng là tôi cũng có những lợi ích khi cân bằng giữa công việc và cuộc sống”, cô chia sẻ.

Các nhà kinh tế học lo ngại nếu đại dịch tiếp tục khiến nhiều người lựa chọn không tham gia lực lượng lao động, nó sẽ gây ra những hệ lụy lâu dài cho tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Nhưng trong ngắn hạn, không ít chuyên gia tin rằng sẽ có thêm người quay trở lại thị trường lao động khi các vấn đề liên quan đến đại dịch giảm bớt và mọi người cạn tiền tiết kiệm.

“Rốt cuộc, tiền tiết kiệm, đặc biệt là của những người thu nhập thấp, sẽ cạn”, Pablo Villanueva, nhà kinh tế học tại ngân hàng UBS, nhận xét. “Nhiều người sẽ không thể đứng ngoài thị trường lao động lâu hơn nữa ngay cả khi họ sợ Covid-19”.

Một số doanh nghiệp dường như quyết tâm chờ đợi đến lúc đó. Lương đã được tăng lên nhưng nhiều người sử dụng lao động vẫn từ chối thực hiện những thay đổi khác để thu hút nhân viên, như áp dụng lịch làm việc linh hoạt hay cung cấp phúc lợi tốt hơn.

Điều này có thể một phần do nhiều công ty nhận thấy rằng họ có thể giải quyết vấn đề với ít nhân công hơn, trong một số trường hợp bằng cách yêu cầu khách hàng chờ đợi lâu hơn hoặc cắt giảm dịch vụ.

“Họ vẫn có lợi nhuận nhờ tiết kiệm được chi phí thuê nhân công. Câu hỏi đặt ra là tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu”, Julia Pollak, chuyên gia kinh tế tại trang tuyển dụng ZipRecruiter, nói.

Theo bà, sau cùng, khách hàng sẽ cảm thấy mệt mỏi với việc phải tự dọn bàn trong nhà hàng hay ngồi chờ hàng giờ để được phục vụ. Khi đó, ông chủ sẽ phải đáp ứng yêu cầu từ người lao động.

Dù vậy, lương tăng và phúc lợi tốt hơn vẫn chưa đủ để thuyết phục tất cả mọi người quay trở lại làm việc. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm mạnh nhất ở nhóm người lớn tuổi vốn phải đối mặt với rủi ro lớn nhất từ Covid-19. Một số có thể quay trở lại khi tình hình dịch bệnh được cải thiện, nhưng số khác có thể cân nhắc chuyện nghỉ hưu luôn.

Và ngay cả những người còn rất lâu mới đến tuổi nghỉ hưu cũng đang tìm kiếm những lĩnh vực mới ngoài công việc truyền thống.

Khi Danielle Miess, 30 tuổi, mất việc tại một công ty du lịch ở Philadelphia lúc dịch bệnh mới bùng phát, cô tin rằng đây là phước lành. Thời gian nghỉ ngơi giúp Miess nhận ra công việc cũ ảnh hưởng tồi tệ đến sức khỏe tinh thần của cô như thế nào. Về sức khỏe tài chính, ngày cô thôi việc, tài khoản ngân hàng của Miess đang âm.

Danielle Miess tại nhà riêng ở Philadelphia. Ảnh: NYTimes.

Danielle Miess tại nhà riêng ở Philadelphia. Ảnh: NYTimes.

Nhờ trợ cấp thất nghiệp còn nhiều hơn cả số tiền cô kiếm được từ công việc cũ, Miess đã có cho mình những hình dung nhất định về sự ổn định tài chính.

Trợ cấp thất nghiệp của Miess bị chấm dứt từ tháng trước, nhưng cô quyết định không tìm kiếm một công việc văn phòng khác. Thay vào đó, cô kiếm sống bằng việc nhận nhiều công việc vặt khác nhau. Miess đang cố gắng trở thành một nhà tư vấn du lịch độc lập. Trong lúc đó, cô nhận việc trông coi nhà, chăm sóc chó hay bán quần áo online.

Miess ước tính cô kiếm được nhiều hơn số thu nhập khoảng 36.000 USD ở thời điểm trước dịch. Dù làm việc nhiều hơn, cô vẫn cảm thấy vui vì thời gian rất linh hoạt.

“Việc phải đến văn phòng 40 tiếng mỗi tuần và chấm công đúng giờ nghe có vẻ quá khó khăn với tôi”, cô chia sẻ. “Cảm giác mình bị giám sát suốt ngày thực sự không vui chút nào. Tôi không muốn quay lại quãng thời gian đó nữa”.

Đầu tư Mỹ Theo NYTimes

Bình luận đã bị đóng.