“Tại sao bạn muốn học trường/ngành này”, “Cuốn sách yêu thích của bạn là gì” là những câu hỏi dễ xuất hiện trong buổi phỏng vấn đi du học với nhà tuyển sinh đại học.
Bài viết liên quan: Bí kíp ứng tuyển vào trường y của Mỹ và Canada
Được một đại học mời phỏng vấn có thể khiến bạn vừa phấn khích, vừa lo lắng. Mặc dù mỗi trường có phong cách phỏng vấn riêng khi tuyển sinh, có một vài câu hỏi mà bất kỳ trường nào cũng có thể đưa ra. Times Higher Education (THE) giới thiệu 10 câu hỏi phổ biến:
1. Tại sao bạn muốn học ở trường này?
Bạn nên cho nhà tuyển sinh thấy bạn đã thực hiện một số nghiên cứu về trường và đã cân nhắc cẩn thận khi lựa chọn. Bạn có thể nói về quá trình suy nghĩ, các yếu tố chính thu hút như nội dung khóa học, danh tiếng, khuôn viên trường hay văn hóa sinh viên.
2. Bạn kỳ vọng đạt được gì từ khóa học/Tại sao bạn lựa chọn ngành học này?
Tương tự câu hỏi thứ nhất, bạn cần thể hiện mình đã tìm hiểu kỹ lưỡng và có động lực để chọn ngành học đó. Nếu chọn ngành dựa trên lựa chọn nghề nghiệp tương lai, chẳng hạn Y học hoặc Luật, hãy nói một chút về điều đó và những gì bạn tưởng tượng, những điều có lợi cho bạn khi được học ngành đó ở trường.
3. Bạn nhìn thấy mình ở đâu trong 5 năm?
Đây là câu hỏi khá rộng, bạn không cần thiết phải vạch ra một kế hoạch chi tiết. Hãy suy nghĩ về một số mục tiêu, nơi bạn muốn làm việc hay muốn tiếp tục học lên.
4. Bạn có động lực gì?
Đây là câu hỏi mang tính cá nhân. Bạn nên trả lời một cách trung thực nhất có thể cho dù động lực khiến bạn chọn ngành, trường học này là niềm đam mê hay vì một công việc cụ thể hoặc đơn giản là vì những lý do cảm xúc khác.
5. Cuốn sách yêu thích của bạn là gì/Bạn đang đọc sách gì?
Có một số biến thể cho câu hỏi này nhằm giúp nhà tuyển sinh tìm ra sở thích và khám phá cách bạn phân tích, phê bình một điều gì đó mà bạn thích. Câu hỏi này có khả năng xuất hiện cao hơn nếu bạn đang tham gia buổi phỏng vấn cho một khóa học nghệ thuật hay xã hội nhân văn, nhưng nó cũng có thể được hỏi khi bạn đăng ký vào một ngành học thuộc nhóm STEM.
Trước cuộc phỏng vấn, hãy nghĩ về cuốn sách bạn thực sự yêu thích hay một cuốn gây tiếng vang và chuẩn bị danh sách lý do bạn yêu thích cuốn sách đó cũng như tác động của nó đối với cách bạn nhìn thế giới.
6. Điểm mạnh và yếu của bạn là gì?
Câu hỏi này có thể được hỏi theo nhiều cách, chẳng hạn “Bạn bè và gia đình thường mô tả bạn như thế nào” hay đơn giản chỉ là “Hãy cho tôi biết vài điều về bản thân bạn”. Mục đích là tìm hiểu thêm về bạn.
Những loại câu hỏi cá nhân này thường khó trả lời nhất vì bạn cần chia sẻ những khía cạnh tích cực trong tính cách và thành tích nhưng không phải theo kiểu khoe khoang. Đừng ngại yêu cầu mọi người xung quanh giúp đỡ và gợi ý một vài điểm tốt để nói.
Hãy nhớ dù điều quan trọng nhất là phải chia sẻ trung thực về những thiếu sót của bản thân, bạn không nên nói bất cứ điều gì quá tiêu cực bởi nó có thể khiến người phỏng vấn ấn tượng không tốt. Khi chỉ ra điểm yếu, bạn nên phác thảo những cách bạn đang cố gắng thực hiện để cải thiện.
7. Bạn thích làm gì trong thời gian rảnh?
Đây là cách khác để người phỏng vấn hiểu thêm về bạn. Họ muốn xem ngoài việc học tập, bạn quan tâm và đam mê điều gì. Sẽ rất tốt nếu bạn cố gắng liên kết sở thích trong thời gian rảnh với ngành học đã chọn. Nếu không có sự giao thoa cũng không sao, bạn có thể nói về bất kỳ điều gì như tham gia đội thể thao, câu lạc bộ âm nhạc, nấu ăn, đi tới nhà hát hay tham gia biểu diễn chương trình nào đó. Đây là cơ hội để nói về những điều bạn yêu thích nhất.
8. Bạn có thể mang gì đến trường đại học?
Đây là câu hỏi khó trả lời, vì vậy hãy nghĩ về một số điều mà bạn tin rằng mình thực sự giỏi và muốn tham gia khi vào trường đại học, thảo luận về các yếu tố học thuật và ngoại khóa.
Ví dụ, bạn có thể chia sẻ mình là vận động viên tuyệt vời, thích tham gia các tiểu phẩm sân khấu nhạc kịch, là diễn giả đại chúng xuất sắc hoặc mong muốn tham gia vào các sáng kiến bền vững tại trường.
9. Câu hỏi cụ thể liên quan đến ngành học
Câu hỏi này sẽ thay đổi tùy thuộc vào ngành học bạn đăng ký, nhưng rất có thể bạn sẽ được hỏi một vài câu để thể hiện kiến thức về ngành đó. Bạn có thể nhận được một câu hỏi lý thuyết, hoặc được yêu cầu chia sẻ ý kiến về một câu chuyện hoặc một phần của nghiên cứu. Hãy đảm bảo bạn cập nhật thường xuyên những thành tựu liên quan đến ngành học và nghiên cứu trước nội dung khóa học để tìm ra manh mối về những gì bạn được hỏi.
Bạn cũng có thể được hỏi về điều gì đó đã viết trong bài luận cá nhân. Vì vậy, bạn nên đọc lại bài luận đó trước khi tham gia phỏng vấn.
10. Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi?
Nhà tuyển sinh có thể cung cấp cho bạn cơ hội để đặt câu hỏi với họ nên hãy chuẩn bị sẵn sàng. Bạn cần dành chút thời gian suy nghĩ về những gì thực sự muốn biết về trường hoặc khóa học, ngành học. Cũng có thể có một số câu hỏi phát sinh trong quá trình phỏng vấn, vì vậy đừng ngại đặt câu hỏi xuyên suốt cuộc phỏng vấn hoặc ghi chú lại và hỏi ở cuối buổi.
Hãy cố gắng không hỏi bất kỳ điều gì bạn có thể tìm hiểu thông qua trang web của trường hoặc các kênh truyền thông xã hội. Thay vào đó, bạn nên suy nghĩ đến những câu hỏi sâu hơn, những điều bạn muốn biết về khóa học hoặc cuộc sống sinh viên tại trường.
Nguồn: Vnexpress.net – Dương Tâm (Theo THE)
Thông tin liên quan đầu tư định cư Mỹ:
>> Visa Eb1c đầu tư định cư Mỹ
>> Visa eb5 định cư Mỹ.