Hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech bắt đầu thử nghiệm một trong những loại vaccine ngừa nCoV trên 30.000 tình nguyện viên tại Mỹ.
4 tình nguyện viên đầu tiên đã được chủng ngừa ngày 27/7 ở Trung tâm Y tế Đại học Rochester, phát ngôn viên hãng cho biết. Thử nghiệm kết hợp giai đoạn 2-3, với 30.000 người tham gia, nhằm xác định sự an toàn, hiệu quả và liều lượng tối ưu của vaccine.
Đây là thử nghiệm nâng cao thứ hai với vaccine Covid-19 được tiến hành tại Mỹ. Đơn vị tiên phong là Moderna. Ngày 27/7, Mỹ công bố vaccine của Moderna có thể được phân phối vào cuối năm nay, sau khi bắt đầu nghiên cứu giai đoạn 3.
Vaccine của Pfizer tuy không giống Moderna, nhưng cũng ứng dụng công nghệ vật liệu di truyền, sử dụng mRNA thông tin để “hướng dẫn” hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng chống lại mầm bệnh.
Đầu tháng 7, Pfizer và BioNTech đã công bố dữ liệu sơ bộ cho thấy một trong những loại vaccine của họ, được biết đến với tên gọi BNT162b1, đủ khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch kháng thể và tế bào T một cách an toàn tại thử nghiệm giai đoạn 1-2.
Tất cả các loại vaccine phòng nCoV của Pfizer đều sử dụng các mảnh vật liệu di truyền để kích thích cơ thể người tạo kháng thể chống lại virus. “Ứng viên” đầu tiên của Pfizer và BioNTech nhắm vào một phần của protein gai – cấu trúc virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào vật chủ. Loại vaccine thứ hai – nhắm vào toàn bộ cấu trúc gai – đang được chuyển sang các thử nghiệm nâng cao.
“Quyết định này phản ánh mục tiêu chính của chúng tôi là tạo ra loại vaccine có khả năng dung nạp tốt, hiệu quả cao và ra mắt thị trường nhanh nhất có thể. Ngoài ra, chúng tôi vẫn tiếp tục đánh giá các ứng viên vaccine khác của công ty, như một phần của danh mục vaccine Covid-19 riêng biệt”, Tiến sĩ Ugur Sahin, nhà sáng lập BioNTech phát biểu.
Moncef Slaoui, cố vấn chính cho chiến dịch sản xuất vaccine Covid-19 của Mỹ, cho rằng việc xây dựng sản phẩm mới trên nền tảng sẵn có cho phép đẩy nhanh quá trình phát triển trong khi vẫn đảm bảo tính an toàn.
“Chúng tôi đang lựa chọn các công nghệ sản xuất vaccine một cách cẩn thận và chu đáo, có tiềm năng thành công cao vì đã hiểu rõ về cách thức”, Slaoui phát biểu vào ngày 28/7 tại Hội nghị Thượng đỉnh về Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh.
Nghiên cứu vaccine ở Giai đoạn một thường có ít người tham gia, tập trung vào việc chứng minh độ an toàn và hiệu quả miễn dịch. Trong giai đoạn 2, thử nghiệm được mở rộng. Vaccine sẽ được sử dụng cho những người có đặc điểm cụ thể, về tuổi tác hay sức khỏe thể chất. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, các đối tượng có đặc điểm tương tự những người dự kiến sẽ tiêm vaccine trên thực tế. Trong Giai đoạn 3, vaccine được chủng ngừa ở quy mô lớn hơn, với sự tham gia của hàng ngàn người. Nó cũng được kiểm tra một lần nữa về tính an toàn, hiệu quả.
Nếu tất cả diễn ra thuận lợi, Pfizer và BioNTech sẽ xin cấp phép sản xuất vào đầu tháng 10. Nếu được ủy quyền khẩn cấp từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), họ có thể cung cấp tới 100 triệu liều vào cuối năm 2020 và khoảng 1,3 tỷ liều vào cuối năm 2021.
Trung tuần tháng 7, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố một thỏa thuận trị giá 1,95 tỷ USD với Pfizer để sản xuất 100 triệu liều vaccine.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vaccine của Pfizer và BioNTech là một trong 25 loại vaccine bước vào thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ hiện có hơn 4.2 triệu trường hợp nhiễm nCoV và hơn 148.000 ca tử vong.
Mạnh Kha (Theo CNN)