MỸ – Phía sau những ngôi nhà lớn ở trung tâm Charleston thường là các căn nhà nhỏ được làm bằng đá hoặc gỗ. Đó là những khu nhà của nô lệ.
Thành phố nằm ở bang South Carolina này mang vẻ đẹp quyến rũ của vùng duyên hải và cây không khí tóc tiên; những ngôi nhà có màu kẹo ngọt nghiêng theo chiều gió… Khách du lịch thường ghé thăm những ngôi nhà, trang trại rộng lớn – hình ảnh của thời hoàng kim của người dân Mỹ trước Nội chiến (1861-1865). Bước vào bên trong, bạn sẽ thấy giấy dán tường, đồ nội thất, đèn chùm… vẫn được giữ gìn cho đến nay. Ngày nay, nơi này phát triển nhờ ngành công nghiệp du lịch, mang lại lợi nhuận 8 tỷ USD vào năm 2018 và tăng khoảng 26 triệu USD đều đặn trong 5 năm qua.
Thoạt nhìn, Charleston khiến người ta hình dung ra Rhett Butler bảnh bao trong Cuốn theo chiều gió và những chuyến xe ngựa sang trọng, buổi đêm chậm rãi bên hiên nhà, bữa tối tao nhã… Mọi thứ ở đây đều đẹp một cách tinh tế, quyến rũ. Nhưng đó là cảm nhận của những du khách da trắng, theo CNN. Bất chấp vẻ đẹp của thành phố, hình ảnh này không phải là một phiên bản hoàn chỉnh.
Ở Mỹ, đặc biệt là các bang từng gia nhập liên minh miền Nam, vẻ đẹp của cảnh quan thường không thể tách khỏi lịch sử. Nhưng lịch sử, lại là một hành trình đau đớn đối những người da màu. Phía sau những ngôi nhà ở trung tâm thành phố Charleston hoặc trong các đồn điền thường là các căn nhà nhỏ hơn được làm bằng đá hoặc gỗ. Chúng không có mái hiên hay nội thất trang nhã cùng cầu thang quét sơn sáng màu; cũng không có những người đàn ông quý tộc tươi cười trong bộ vest sang trọng… Đơn giản vì đó là những khu nhà dành cho nô lệ.
Trong quá khứ, Charleston, như phần còn lại của miền Nam, phát triển một phần nhờ những người châu Phi làm nô lệ. Các đồn điền gạo, bông, đường hoặc chế biến chàm đều thịnh vượng nhờ chi phí nhân công rẻ mạt. Những ngôi nhà trong thị trấn và những người chủ da trắng do những nô lệ da màu phục vụ.
Khi cùng chồng tới Charleston, Dartinia Hull, nhà báo du lịch của CNN, ngạc nhiên trước cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp trên bãi biển; các con phố xinh đẹp. Họ thử đồ ăn ở nhiều nhà hàng vắng khách và không bao giờ cảm thấy buồn chán.
Nhưng vài việc xảy ra khiến họ bối rối: lời mời đến tham quan các đồn điền; ai đó chặn lại và hỏi về chợ nô lệ; hướng dẫn viên kể chuyện người da màu bị bắt làm nô lệ như thế nào… Hull là người Mỹ da màu và cô cảm thấy đây thực sự là điều trớ trêu. Cô bắt đầu tự hỏi liệu có ai suy nghĩ cẩn trọng về những điều họ đang nói, nơi họ và cô đang đứng hay không? Tất nhiên, Hull từ chối đến thăm các đồn điền và cô đã trả lời thẳng thắn với những người hỏi cô về chợ nô lệ, rằng đó là chợ thành phố.
Với những khách du lịch da màu như Hull, một chuyến tham quan thành phố xinh đẹp này không phải lúc nào cũng đơn giản như dạo qua nhà cũ. Mỗi bước đi có thể nhắc tới những bất công, phân biệt chủng tộc từng tồn tại. Những muộn phiền đó thường chạy song song với cảm nhận về sự lãng mạn của thành phố mà nhiều du khách khác có thể thấy.
Rẽ vào phố Calhoun, bạn sẽ đi ngang nhà thờ Emanuel AME. Đây là nơi 9 giáo dân da màu bị sát hại vào năm 2015 bởi một kẻ theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Bên kia đường là công viên Marion, nơi đặt tượng phó tổng thống John C. Calhoun, người ủng hộ chế độ nô lệ trong đồn điền trước đây. Bức tượng này đã bị dỡ hồi tháng 6 khi các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ dâng cao.
“Không phải mọi thứ ở đây đều đẹp”, Doug Warner, phó chủ tịch tại Explore Charleston, thừa nhận điều này khi nói đến những nỗi đau mà người da màu phải chịu trong quá khứ. Warner khẳng định, thái độ đối đầu với nạn phân biệt chủng tộc tồn tại Charleston từ lâu, trước năm 2020, trước cả Covid-19 và phong trào Black Lives Matter ở nước Mỹ. “Chúng ta có thể làm tốt hơn với một Charleston và quá khứ tồi tệ. Đây sẽ là nơi dẫn dắt đất nước tiến về phía trước”, Warner bày tỏ.
Theo Warner, ngành du lịch ở Charleston đã có những nỗ lực đáng kể trong việc khuyến khích các doanh nghiệp khách sạn tạo cơ hội làm việc bình đẳng cho người da màu. Những người vốn làm việc ở hậu trường như nhà bếp, phục vụ… đã chuyển sang các vị trí nổi bật hơn, chuyên nghiệp hơn. Đó là những bước khởi đầu và nó chỉ đúng khi người dân Charleston bắt đầu sửa chữa những sai lầm của nhiều thế hệ, theo Warner. “Nếu không có sự đóng góp của những người gốc Phi và con cháu họ, Charleston không thể có vẻ đẹp và thành công như ngày nay”.
“Charleston là một trong những thành phố giàu có nhất đất nước trong 100 năm qua, dựa trên sự khéo léo của người Tây Phi. Sự phân biệt chủng tộc không dựa vào hay phụ thuộc vào một nơi hay một thành phố. Phân biệt chủng tộc là đại dịch toàn cầu”, nghệ sĩ Jonathan Green cho biết.
Ngày nay, dù cuộc tranh luận về phân biệt vẫn chưa đến hồi kết. Nhưng nhiều người tin rằng tiến bộ và lịch sử có thể cùng tồn tại như kẻ thù, hoặc bạn bè. Điều đó phụ thuộc vào suy nghĩ của từng người.
Anh Minh (Theo CNN)