Liệu FED có tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp đầu tiên năm 2023 của Ủy ban thị trưởng mở liên bang (FOMC) tổ chức từ ngày 31/1 đến 1/2 hay không? Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh FED đã 7 lần tăng lãi suất vào năm ngoái nhằm kiềm hãm lạm phát tăng mạnh lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Bước sang năm 2023, lạm phát tại Mỹ đã quay đầu giảm, có nhiều ý kiến cho rằng FED nên nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế “hạ cánh mềm”, vừa kiềm chế được lạm phát, vừa tránh được nguy cơ suy thoái. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 của nước này tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức 7,1% của tháng 11 và thấp hơn đáng kể so với mức cao nhất 9,1% của tháng 6/2022. Tuy nhiên, con số này còn cách khá xa so với lạm phát mục tiêu 2% mà Mỹ đề ra.
Ngoài ra, kinh tế Mỹ đón nhận thêm nhiều tín hiệu khích lệ. Trong quý cuối cùng của năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt tốc độ tăng trưởng 2,9%, cao hơn mức dự báo 2,8% trước đó dù giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 3,2% của quý III/2022. Điều này phản ánh một phần việc nền kinh tế Mỹ quay trở lại với nhịp độ tăng trưởng bình thường hơn sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ nhờ nền kinh tế mở cửa trở lại, các gói kích cầu kinh tế và đại dịch COVID-19 được kiểm soát.
Fed siết chặt chính sách tiền tệ
Trong lần tăng lãi suất thứ bảy kể từ đầu năm 2022 vào tháng 12/2022, FED đã quyết định tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2007 là 4,25-4,5%, chấm dứt chuỗi 4 lần tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp trước đó. Điều này cho thấy FED thực sự thận trọng trong quyết sách về chính sách tiền tệ, đúng như tuyên bố ngay từ đầu của người đứng đầu FED rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ siết chặt chính sách tiền tệ cho đến khi các chỉ dấu của nền kinh tế Mỹ chuyển biến tích cực và vững chắc.
Khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất vẫn được giới chuyên gia lựa chọn nhiều nhất. Phát biểu ngày 19/1 tại Chicago, Phó Chủ tịch FED Lael Brainard cho hay lãi suất sẽ cần duy trì ở mức cao trong một thời gian ngay cả khi lạm phát giảm bớt để đảm bảo lạm phát quay trở lại mức 2% một cách bền vững, đồng thời cam kết ngân hàng trung ương sẽ “giữ nguyên lộ trình” chống giá cả phi mã. Trong khi đó, phần lớn các nhà hoạch định chính sách của FED đã bày tỏ ủng hộ việc tiếp tục tăng lãi suất, song với tốc độ chậm hơn.
Giám đốc điều hành của JPMorgan – Jamie Dimon, cho rằng lộ trình tăng lãi suất của FED có thể sẽ vượt xa so với những dự đoán ở hiện tại; có 50% khả năng những kỳ vọng hiện tại là đúng khi cho rằng FED sẽ đưa lãi suất chuẩn lên khoảng 5% và 50% khả năng FED sẽ tăng lên mức 6%.
Tình hình lãi suất tại Mỹ
Giới chức FED cũng đưa ra quan điểm rằng cơ quan này có thể cần tăng lãi suất lên mức trên 5% trước khi tạm dừng và duy trì trong một khoảng thời gian. Ông Raphael Bostic – Chủ tịch FED Atlanta, cho biết FED cam kết giải quyết vấn đề lạm phát cao và điều này có thể đưa lãi suất lên mức từ 5% đến 5,25%. Chủ tịch FED San Francisco, bà Mary Daly, thậm chí dự đoán lãi suất sẽ cao hơn mức này và hiện còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng được lạm phát. Chủ tịch FED Philadelphia – Patrick Harker dự đoán lãi suất sẽ được điều chỉnh tăng vài lần nữa trong năm nay, song cho rằng những đợt tăng 75 điểm cơ bản chắc chắn đã qua và việc tăng 25 điểm cơ bản là mức phù hợp trong tương lai.
Trước đó, FOMC luôn khẳng định việc tăng lãi suất liên tục trong phạm vi mục tiêu là phù hợp để kiềm chế lạm phát. FOMC dự báo rằng lãi suất ngắn hạn chủ chốt sẽ đạt mức từ 5-5,25% vào cuối năm 2023. Điều đó cho thấy rằng FED đã sẵn sàng tăng lãi suất cơ bản và duy trì mức lãi suất đó tới cuối năm nay.
Tại buổi họp báo vào cuối tháng 12/2022, Chủ tịch FED Jerome Powell nói rằng “trọng tâm của chúng tôi hiện nay thực sự là đưa vị thế chính sách tiền tệ lên một mức đủ thắt chặt để đảm bảo lạm phát sẽ hạ về mức mục tiêu theo thời gian, chứ chưa phải là cắt giảm lãi suất”.
Phân tích của chuyên gia
Trong khi đó, báo cáo của Moody’s cảnh báo rằng cuộc chiến lạm phát đòi hỏi nhiều thời gian. Theo nhà phân tích Madhavi Bokil của Moody’s, để lạm phát giảm xuống mức mục tiêu của FED, thị trường lao động có thể cần “hạ nhiệt” – thể hiện qua việc tốc độ tuyển dụng chậm hơn và ít vị trí tuyển dụng hơn. Tốc độ tăng lương dường như không làm tăng lạm phát, nhưng góp phần thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng khi các hộ gia đình bắt đầu rút dần tiền tiết kiệm được trong thời kỳ đại dịch. Mức tăng lương vẫn khá cao trong năm ngoái, do các nhà tuyển dụng không muốn sa thải những lao động mà họ có thể đã phải vật lộn để tìm kiếm kể từ sau đại dịch, khiến thị trường lao động trở nên khó khăn hơn.
Dự định vào ngày 31/1, Bộ Lao động Mỹ sẽ thông báo chỉ số chi phí lao động (ECI) – chỉ số đo lường về tiền lương và phúc lợi. Báo cáo về cơ hội việc làm tháng 12 và khảo sát về các nhà sản xuất trong tháng 1 cũng được thông báo. Các chỉ số này sẽ phần nào tác động tới cuộc họp của FOMC.
(Nguồn : baotintuc.vn)
Xem thêm :