Các nghiên cứu về kinh tế Mỹ trong mấy tháng qua ghi nhận dữ liệu lạm phát thấp, những người ủng hộ quan điểm “lạm phát chỉ là nhất thời” dường như đã thắng thế.
Có vẻ như chỉ mới ngày hôm qua, các cuộc tranh luận tại Mỹ về lạm phát chỉ xoay quanh việc tình trạng này sẽ diễn ra trong dài hạn hay chỉ là một yếu tố ngắn hạn. Tuy nhiên, sau vài tháng ghi nhận dữ liệu lạm phát thấp, dường như những người ủng hộ quan điểm rằng “lạm phát chỉ là nhất thời” đã thắng thế. Mặc dù vậy, điều thú vị là các chuyên gia cho rằng sự thắng thế này cũng chỉ là tạm thời, bởi hiện nay đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy một số nền kinh tế, trong đó có Mỹ, có thể trải qua hiện tượng “hâm nóng lại” (reheating).
Vậy, điều này sẽ xảy ra như thế nào?
Hãy xem xét một kịch bản đơn giản liên quan đến hai yếu tố là sản lượng kinh tế và tiền tệ – bao gồm việc mở rộng tín dụng của ngân hàng và các trung gian khác. Trong một nền kinh tế được vận hành, tiền và sản lượng thường tăng trưởng với tốc độ tương đương nhau.
Tuy nhiên, khi các nền kinh tế trải qua những bước ngoặt (ví dụ như “reheating”), các điều kiện có thể nhanh chóng thay đổi. Trong những trường hợp như vậy, tốc độ tăng nguồn cung tiền có thể vượt tốc độ tăng sản lượng – ngay cả khi ngân hàng trung ương không đặt mục tiêu hướng đến điều này.
Tình hình kinh tế Mỹ
Lý do là sản lượng kinh tế có thể mất một thời gian để tăng trưởng. Để đạt được điều đó, các doanh nghiệp phải mở rộng công suất hoặc thuê thêm lao động trong bối cảnh hiện nay là tình trạng thiếu lao động vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Thậm chí, ngay cả khi một nền kinh tế vận hành tốt với các điều kiện kinh doanh tích cực, sản lượng vẫn thường tăng chậm. Trong khi đó, nguồn cung tiền không nhất thiết phải có độ trễ. Ví dụ, các ngân hàng có thể mở rộng nguồn cung tín dụng nhanh chóng nếu họ đặt kỳ vọng về một sự phục hồi mạnh hơn dự kiến. Vì vậy, có thể có những giai đoạn do những lý do hoàn toàn tự nhiên mà nguồn cung tiền sẽ tăng nhanh hơn so với sản lượng.
Thực trạng này đã xảy ra tại Mỹ gần đây, với các báo cáo lạm phát thuận lợi và báo cáo tăng trưởng kinh tế tích cực một cách đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, điều trớ trêu là phản ứng tích cực của thị trường đối với các số liệu lạm phát thấp và tăng trưởng mạnh lại cổ vũ những người tham gia thị trường và có thể dẫn đến… một đợt lạm phát mới. Một kịch bản khác liên quan đến môi trường lãi suất. Khi lạm phát trở nên mất kiểm soát, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và giữ ở mức cao trong một thời gian dài trong khi nền kinh tế điều chỉnh chậm – thường là khi trải qua thời kỳ suy thoái.
Kỳ vọng của Fed
Tuy nhiên, lạm phát lại giảm nhanh hơn dự kiến và điều này khiến thị trường kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất sớm hơn dự định. Và những kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sẽ khuyến khích các kế hoạch mở rộng nguồn cung tín dụng, cũng giống như việc cắt giảm lãi suất thực tế. Đó có lẽ là một vòng luẩn quẩn mà trong đó việc lạm phát “hạ nhiệt” lại có thể tạo ra một đợt lạm phát mới. Chính logic của những kỳ vọng đã làm cho tạo ra thực trạng đó.
Thế giới luôn phải sống giữa những điều bất ngờ và có lẽ những bất ngờ đó vẫn chưa kết thúc. Vậy, đâu là bằng chứng cho thấy kinh tế Mỹ đang trải qua thời kỳ “reheating”? Đầu tiên, một số nhà bình luận cho rằng thị trường nhà ở nước này dường như đã tìm thấy đáy. Ngoài ra, giá gỗ xẻ đang tăng trở lại trong khi thị trường lao động vẫn chặt chẽ, và thậm chí còn chặt chẽ hơn so với những gì người ra kỳ vọng.
Chuyên gia phân tích Conor Sen đến từ Bloomberg Opinion đã từng dự đoán về kịch bản kinh tế Mỹ sẽ phục hồi thay vì suy thoái trong một thời gian và cho đến nay mọi thứ vẫn đang diễn ra theo kịch bản đó. Tuy nhiên, dự báo hiện tại của chi nhánh Fed tại thành phố Cleveland về dữ liệu lạm phát trong tháng 1/2023 vẫn chưa thể mang lại sự yên tâm và làm tăng khả năng lạm phát tăng trở lại.
Nhận định của chuyên gia kinh tế Mỹ
Bên ngoài Mỹ, lạm phát đã tăng vọt ở Tây Ban Nha, giữa thời điểm mà áp lực về giá được cho là vừa phải. Mặc dù đây không phải là những tín hiệu khẳng định rằng việc lãi suất sẽ tăng mạnh trở lại là chắc chắn, nhưng trong những năm gần đây, thế giới luôn phải sống giữa những điều bất ngờ có lẽ những bất ngờ đó vẫn chưa kết thúc. Chuyên gia kinh tế người Mỹ Tyler Cowen cho rằng khả năng lạm phát tăng trở lại là dưới 50%, nhưng ông cũng cho rằng một để đầu tư và ra quyết định hiệu quả, các nhà đầu tư không chỉ cần xác định các tình huống có khả năng xảy ra nhất, mà họ còn phản tiên lượng trước những rủi ro mới.
Tin tốt là lạm phát tăng trở lại một phần là kết quả của tâm lý lạc quan về sự bùng nổ kinh tế. Tin xấu là điều này khiến kế hoạch kiềm tỏa lạm phát của Fed trở nên khó khăn hơn khi rủi ro lạm phát vẫn còn. Sự thiếu tự tin có thể khiến Fed phạm sai lầm hoặc tạo ra tâm lý bất an trên một thị trường rộng lớn. Do đó, sẽ là một thiếu sót lớn nếu coi những thông tin tích cực về lạm phát tại Mỹ trong thời gian qua là điều hiển nhiên.
(nguồn : bnews.vn)
Xem thêm :