Ứng dụng video ngắn TikTok được ByteDance định giá hơn 50 tỷ USD, với doanh thu kỳ vọng 1 tỷ USD năm nay.
Microsoft hôm qua (2/8) ra tuyên bố xác nhận đang đàm phán mua TikTok tại Mỹ từ ByteDance – công ty mẹ có trụ sở Trung Quốc của ứng dụng này. Họ dự kiến hoàn tất thỏa thuận ngày 15/9. Thông báo này được đưa ra sau cuộc nói chuyện của CEO Microsoft Satya Nadella với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump vài ngày trước còn cho biết sẽ cấm TikTok tại Mỹ, đồng thời phản đối thương vụ mua bán của Microsoft.
Hiện chưa rõ Microsoft sẽ trả bao nhiêu cho TikTok. Tuần trước, Reuters đưa tin ByteDance định giá ứng dụng này trên 50 tỷ USD. Dù vậy, sức ép của Mỹ có thể khiến mức giá này hạ xuống.
ByteDance hiện có nhiều nhà đầu tư, nổi bật là quỹ Vision Fund của SoftBank, quỹ General Atlantic và Sequoia Capital. Trong vòng huy động vốn hồi tháng 3, công ty này được định giá 100 tỷ USD. WSJ dẫn nguồn tin thân cận cho biết một số nhà đầu tư khi đó định giá riêng TikTok là hơn 30 tỷ USD.
Microsoft cho biết có thể mời các nhà đầu tư Mỹ khác mua cổ phần nhỏ trong TikTok. Hiện tại, khoảng 70% nhà đầu tư của ByteDance đến từ Mỹ.
Theo WSJ, ByteDance trước nay vẫn cố tránh việc bán TikTok tại Mỹ, do họ tin rằng ứng dụng này có thể đe dọa người dùng và doanh thu quảng cáo của Facebook. Hãng dự báo doanh thu TikTok năm nay đạt 1 tỷ USD và năm sau đạt 6 tỷ USD. Dù vậy, TikTok toàn cầu vẫn chưa có lợi nhuận.
Theo thỏa thuận, Microsoft sẽ tiếp quản mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Hãng cho biết sẽ đảm bảo tất cả dữ liệu riêng tư của người dùng Mỹ được chuyển về và lưu trữ tại Mỹ.
Vấn đề cốt lõi trong đàm phán sẽ là tách riêng công nghệ của TikTok ra khỏi cơ sở hạ tầng của ByteDance. ByteDance hiện sở hữu một ứng dụng video ngắn khác hoạt động tại thị trường Trung Quốc là Douyin, dùng chung bộ mã với TikTok.
Giới chức Mỹ đến nay vẫn cáo buộc ứng dụng chia sẻ video TikTok là mối đe dọa với an ninh quốc gia. TikTok luôn phủ nhận điều này.
Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết việc đàm phán giữa ByteDance và Microsoft sẽ được giám sát bởi Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ. Đây là cơ quan có quyền chặn bất kỳ thương vụ mua bán nào.
“Microsoft nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc xoa dịu các lo ngại của Tổng thống. Chúng tôi cam kết mua TikTok sau khi đã đánh giá toàn diện về mặt an ninh và sẽ cung cấp lợi ích kinh tế phù hợp cho nước Mỹ, bao gồm cả Bộ Tài chính Mỹ”, Microsoft cho biết trong thông báo hôm qua.