Nhà đầu tư nghiệp dư Trung Quốc thức đêm chơi chứng khoán Mỹ

0
390
Nhà đầu tư nghiệp dư Trung Quốc thức đêm chơi chứng khoán Mỹ
Nhà đầu tư nghiệp dư Trung Quốc thức đêm chơi chứng khoán Mỹ

4 giờ sáng, Li Bohao nhận cuộc gọi khẩn từ một người bạn, giục anh bán hết cổ phiếu hãng xe điện Trung Quốc Nio niêm yết tại Mỹ.

Mã này đang trên đà giảm và nhiều nhà phân tích dự báo công ty được mệnh danh là Tesla của Trung Quốc sẽ sớm chẳng còn mấy giá trị. Li đã nghe theo lời khuyên của bạn. Nhưng hiện tại, cổ phiếu Nio có giá gấp 4 lần so với thời điểm anh bán cuối tháng 3. Dù vậy, Li – một doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực hoạt hình – không hối tiếc.

“Tôi không xem giá những cổ phiếu mình đã bán”, Li nói, “Tôi đã học được cách không nghi ngờ”.

Li là một trong rất nhiều nhà đầu tư nghiệp dư Trung Quốc đang tìm cơ hội ở thị trường chứng khoán nước ngoài. Theo ước tính của Citigroup, khối lượng giao dịch cổ phiếu niêm yết tại Mỹ trên ứng dụng của Futu Holdings – nền tảng giao dịch online cổ phiếu nước ngoài lớn nhất Trung Quốc – đã tăng hơn gấp 3 trong 3 tháng đầu năm nay. Năm ngoái, con số này không có nhiều biến động. Đến quý II, khối lượng giao dịch tiếp tục nhảy vọt lên 55,4 tỷ USD.

Nhiều công ty Trung Quốc đã niêm yết trên sàn Nasdaq. Ảnh: Reuters

Nhiều công ty Trung Quốc đã niêm yết trên sàn Nasdaq. Ảnh: Reuters

Dù thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đang đi lên, nhà đầu tư vẫn bị thu hút bởi thị trường Mỹ, do có ít hạn chế hơn, như được bán khống và biên độ giá cũng cao hơn. Chỉ số Shanghai Composite đã tăng 10% năm nay, trong khi S&P 500 chỉ mới tăng 4%.

Nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng hào hứng, bất chấp quy định kiểm soát vốn ngặt nghèo tại nước này. Mỗi năm, người Trung Quốc chỉ được đem ra nước ngoài 50.000 USD. Futu không đổi Nhân dân tệ cho khách hàng, tức là họ cần phải có nguồn ngoại tệ sẵn rồi.

Một yếu tố hấp dẫn khác của thị trường Mỹ là sự chuyên nghiệp. Tại Trung Quốc, giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân chiếm phần lớn, khiến giá cổ phiếu biến động mạnh theo tâm lý. “Tại Trung Quốc, bạn thường xuyên phải chạy theo thị trường”, Daphne Poon – nhà phân tích tại Citigroup cho biết, “Còn ở Hong Kong và Mỹ, tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức lớn hơn, nên thị trường cũng hoạt động dựa trên giá trị và các yếu tố nền tảng nhiều hơn”.

Đó cũng chính là lý do khiến David Zhou (20 tuổi) đổ tiền vào chứng khoán Mỹ khi còn học đại học tại New York. “Tôi cho rằng thị trường Mỹ ổn định hơn, do nhà đầu tư có kiến thức hơn và chứng khoán Mỹ cũng lâu đời hơn nữa”, Zhou nói, “Còn cổ phiếu Trung Quốc lao dốc nhiều quá. Mức giá cũng không có cơ sở, khiến việc định giá thực sự rất khó”.

Ngoài việc được tiếp cận với các thương hiệu toàn cầu như Apple hay Tesla, họ cũng muốn mua cổ phiếu công ty Trung Quốc niêm yết tại nước ngoài. Hiện tại, hơn 400 công ty Trung Quốc đang niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ. Cổ phiếu nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước như Pinduoduo hay Bilibili chỉ mua được khi có chứng chỉ lưu ký tại Mỹ (ADR). Việc này càng khiến nhà đầu tư Trung Quốc muốn tham gia thị trường Mỹ.

Zhou bắt đầu bằng những công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, trong đó có Bilibili – website chia sẻ video được coi là YouTube Trung Quốc. Website này rất phổ biến tại Trung Quốc, nhưng người Mỹ gần như không biết đến. Anh bán mã này hồi tháng 6, sau khi giá tăng hơn gấp đôi trong 3 tháng.

“Một rào cản lớn với tôi khi thử đánh giá các công ty Mỹ là tôi không thực sự sử dụng sản phẩm của họ, nên mọi thứ khá mơ hồ”, anh nói, “Còn sản phẩm của công ty Trung Quốc thì tôi dùng hàng ngày”.

Dù vậy, hiện tại, một trong những thách thức lớn nhất của họ là căng thẳng địa chính trị hai nước đang tăng, khiến nhiều công ty Trung Quốc có nguy cơ bị hủy niêm yết tại Mỹ. Hồi tháng 5, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật có thể rút niêm yết các công ty Trung Quốc tại đây.

Hiện tại, nhiều dấu hiệu cho thấy các công ty Trung Quốc tìm địa điểm khác để huy động vốn. Ant Group của Jack Ma gần đây đã bỏ qua New York để chọn niêm yết trên hai sàn Hong Kong và Thượng Hải.

“Trong quá khứ, nhiều công ty Trung Quốc được lòng nhà đầu tư cá nhân trong nước chọn niêm yết trên sàn Mỹ”, Kelvin Chu – nhà phân tích khu vực Trung Quốc tại UBS Group cho biết, “Việc này có thể thay đổi trong trung hạn”.

Khi ngày càng nhiều công ty Trung Quốc chọn niêm yết thêm trên sàn Hong Kong, Chu cho biết dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân có thể chuyển sang đây. Tuy nhiên, ông không cho rằng nhà đầu tư Trung Quốc sẽ mất hứng thú với thị trường nước ngoài. Khi tầng lớp trung lưu tăng lên, nhu cầu đa dạng hóa đầu tư của họ cũng tăng theo. CapitalWatch ước tính số nhà đầu tư Trung Quốc muốn tham gia thị trường nước ngoài sẽ tăng gấp đôi vào năm 2023, lên 66,3 triệu người.

“Dòng tiền đầu tư sẽ vẫn tiếp tục chảy thôi, không sang Mỹ thì cũng sang nước khác”, Chu dự báo.

dautumy.vn (theo Bloomberg)

 

 

Bình luận đã bị đóng.