World Bank dự báo kinh tế toàn cầu giảm tốc năm nay

0
249
WB dự báo kinh tế toàn cầu giảm tốc năm nay
WB dự báo kinh tế toàn cầu giảm tốc năm nay

Tăng trưởng toàn cầu được dự báo giảm từ 5,5% năm 2021 xuống 4,1% trong năm 2022.

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng kinh tế thế giới đang bắt đầu suy thoái rõ rệt sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ năm 2021. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo giảm sâu từ 5,5% năm 2021 xuống 4,1% trong 2022 và 3,2% vào 2023.

Điều này diễn ra trong bối cảnh các biến thể Covid-19 mới nguy hiểm hơn, cũng như lạm phát, nợ và bất bình đẳng thu nhập gia tăng. “Các yếu tố trên có thể cản trở khả năng phục hồi của các nền kinh tế đang phát triển”, World Bank cho biết.

Theo đó, tốc độ lây lan nhanh của biến thể Omicron cho thấy đại dịch có khả năng sẽ tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế trong thời gian tới. Tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc cũng giảm tốc đáng kể, ảnh hưởng đến nhu cầu của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

World Bank cũng cảnh báo khi chính phủ các nước đang phát triển không còn dư địa chính sách để hỗ trợ kinh tế, các làn sóng dịch mới, những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng, áp lực lạm phát và bất ổn tài chính leo thang ở nhiều khu vực có thể làm tăng nguy cơ “hạ cánh cứng”.

Mặt khác, báo cáo của tổ chức này cũng chỉ rõ, tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ nới rộng khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa các nền kinh tế tiên tiến với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Đến năm 2023, WB dự báo tất cả các nền kinh tế tiên tiến khôi phục sản xuất hoàn toàn. Trong khi đó, sản xuất tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ vẫn thấp hơn 4% so với tiền đại dịch. Đối với nhiều nền kinh tế dễ bị tổn thương, khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn.

Trong khi đó, tình trạng lạm phát tăng, kéo theo ảnh hưởng nghiêm trọng đối với người lao động thu nhập thấp, lại đang gây cản trở đối với chính sách tiền tệ. Lạm phát trên thế giới và lạm phát ở các nước phát triển đang ở mức cao nhất kể từ 2008.

Tại các thị trường mới nổi và đang phát triển, lạm phát cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 2011. Do đó, nhiều nước trong nhóm này đang rút lại chính sách hỗ trợ để kiềm chế áp lực lạm phát, dù nền kinh tế còn rất lâu mới có thể phục hồi.

Ông Ayhan Kose, Giám đốc Chương trình Báo cáo triển vọng của World Bank lưu ý, các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển sẽ cần phải sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ một cách thận trọng. Bên cạnh đó, các nước cũng cần thực hiện những cải cách để giải quyết hậu quả của đại dịch. Các chương trình cải cách cần được xây dựng để cải thiện đầu tư và vốn con người, giảm bất bình đẳng giới và khoảng cách thu nhập, cũng như đối phó với những thách thức của biến đổi khí hậu.

Bà Mari Pangestu, Tổng giám đốc điều hành Chính sách phát triển và Quan hệ đối tác của World Bank nói rằng, những quyết sách của các nhà hoạch định trong vài năm tới sẽ quyết định tiến trình phát triển 10 năm tiếp theo.

Bà cho rằng, ưu tiên trước mắt là đảm bảo triển khai vaccine rộng rãi và công bằng hơn để kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên, để giải quyết những bước thụt lùi trong tiến trình phát triển như tình trạng bất bình đẳng gia tăng thì cần phải có hỗ trợ lâu dài. Trong giai đoạn tỷ lệ nợ tăng cao, hợp tác toàn cầu sẽ là điều cần thiết để giúp tăng nguồn lực tài chính cho các nền kinh tế đang phát triển, nhằm phát triển xanh, bền vững và bao trùm.

Dautumy.vn theo Vnexpress.net

SHARE

Bình luận đã bị đóng.