OECD: Triển vọng của các nền kinh tế lớn đã sáng sủa hơn
Cú sốc mà các nền kinh tế lớn phải gánh chịu từ đại dịch có thể không gây thiệt hại quá nhiều như dự báo vài tháng trước.
Trong báo cáo công bố hôm qua (16/9), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nâng dự báo GDP toàn cầu năm nay. Tổ chức này cũng nhấn mạnh dù đà giảm “vẫn là chưa từng có tiền lệ”, triển vọng đã được cải thiện một chút so với tháng 6.
Theo OECD, kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 4,5% năm nay, trước khi tăng 5% năm tới. Trước đó, các tốc độ này được dự báo lần lượt là giảm 6% và tăng 5,2%.
Dù vậy, OECD cảnh báo sự chênh lệch về tăng trưởng của các nền kinh tế có thể rất lớn. Trong khi OECD nâng mạnh dự báo cho Mỹ và Trung Quốc, tăng nhẹ dự báo cho châu Âu, các quốc gia đang phát triển như Mexico, Argentina, Ấn Độ, Nam Phi, Indonesia và Saudi Arabia lại bị hạ triển vọng.
Các nhà kinh tế học tại OECD cho rằng việc này phản ánh tác động của “đại dịch kéo dài, nạn đói nghèo ở mức cao và những biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt.”
Trung Quốc là quốc gia duy nhất trong G20 được dự báo tăng trưởng trong năm 2020. Nền kinh tế này có thể tăng 1,8% năm nay, trái ngược với mức giảm 3,8% của Mỹ và 7,9% của các nước eurozone. Trung Quốc đầu tuần này công bố doanh số bán lẻ tháng 8 tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lần tăng đầu tiên trong năm 2020. Theo OECD, việc đại dịch bùng phát sớm, được kiểm soát kịp thời, kèm theo những chính sách hỗ trợ, chú trọng vào đầu tư cơ sở hạ tầng đã giúp nền kinh tế này hồi phục.
Trong khi đó, kinh tế Nam Phi có thể co lại 11,5% trong năm nay. GDP Mexico và Ấn Độ đều đang trên đà giảm 10,2%. Các con số này tệ hơn rất nhiều so với những nền kinh tế phát triển, ngoại trừ Italy. GDP Italy được dự báo giảm 10,5% do đại dịch.
OECD cũng đưa ra cảnh báo về một tương lai không ổn định, phụ thuộc nhiều vào mức độ lây lan của đại dịch và những chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tổ chức này cũng cho biết, sự phục hồi toàn cầu “đã mất đi động năng trong những tháng hè vừa qua” sau sự khởi sắc nhẹ ban đầu.
“Sự phục hồi vẫn đang tiếp diễn, nhờ nới lỏng cách ly xã hội và doanh nghiệp mở cửa trở lại. Tuy nhiên, bất ổn vẫn còn lớn và và sự tự tin vẫn rất mong manh”, báo cáo của OECD cho biết.
Dự báo của OECD cho năm 2021 thấp hơn báo cáo tháng Sáu. Các nhà kinh tế học cũng khẳng định đoạn đường phía trước còn rất gian nan.
“Ở hầu hết các quốc gia, quy mô nền kinh tế cuối năm 2021 được dự báo vẫn thấp hơn cuối năm 2019, và càng thấp hơn nữa nếu so với những dự báo được đưa ra trước đại dịch. Điều này càng làm cho thấy hậu quả nặng nề gây ra bởi Covid-19”, báo cáo kết luận.