Niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ vào nền kinh tế Mỹ trong tháng 6/2024 đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng.
Theo số liệu được Liên đoàn Doanh nghiệp độc lập quốc gia (NFIB) công bố ngày 9/7, niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ trong tháng 6/2024 đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng, song lo ngại về lạm phát vẫn kéo dài trong bối cảnh tỷ lệ chủ doanh nghiệp dự định tăng lương cho người lao động trong ba tháng tới tăng lên.
Theo NFIB, chỉ số lạc quan của doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ đã tăng 1 điểm, lên 91,5 vào tháng 6/2024, mức cao nhất kể từ tháng 12/2023. Tuy nhiên, tháng 6/2024 đánh dấu tháng thứ 30 liên tiếp chỉ số này duy trì dưới mức trung bình 50 năm là 98, do lo ngại lạm phát vẫn còn tồn tại và chi phí đi vay cao đè nặng lên hoạt động đầu tư.
Trong khi đó, 22% doanh nghiệp cho biết có kế hoạch tăng lương cho người lao động trong 3 tháng tới, tăng 4 điểm so với tháng 5/2024. Mặc dù 37% chủ doanh nghiệp cho biết không thể lấp đầy các cơ hội việc làm, giảm 5 điểm so với tháng 5/2024, song NIFB lưu ý rằng thị trường lao động vẫn thắt chặt trong lĩnh vực xây dựng, vận tải và bán lẻ. Khoảng 16% doanh nghiệp báo cáo các vị trí lao động phổ thông chưa được tuyển dụng, tăng 2 điểm so với tháng 5/2024. Ngược lại, tỷ lệ chủ doanh nghiệp báo cáo còn chỗ trống cho công nhân lành nghề giảm 6 điểm xuống còn 31%, trong khi kế hoạch tạo việc làm không thay đổi.
Tình hình nền kinh tế Mỹ
Thị trường lao động Mỹ nói chung đang nới lỏng trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, với dữ liệu của chính phủ tuần trước cho thấy có 1,22 cơ hội việc làm cho mỗi người thất nghiệp trong tháng 5/2024 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong 2 năm rưỡi là 4,1% trong tháng 6/2024.
Chi phí đi vay cao đang hạn chế đầu tư, với tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ báo cáo đầu tư vốn trong 6 tháng qua giảm 6 điểm xuống còn 52%, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022. Tỷ lệ doanh nghiệp lập kế hoạch đầu tư vốn trong 6 tháng tới không đổi ở mức 23%. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ tăng giá bán bình quân tăng 2 điểm lên 27% trong tháng 6/2024, nhưng tỷ lệ dự kiến tăng giá giảm 2 điểm xuống còn 26%.
Theo Bill Dunkelberg, nhà kinh tế trưởng của NFIB, nhu cầu vẫn còn quá mạnh để có thể dẫn đến việc giảm giá trên diện rộng, trong khi chi phí lao động tăng đang gây áp lực lên các quyết định về giá, nhưng tần suất tăng lương giảm là một diễn biến thuận lợi cho cuộc chiến chống lạm phát.
(Nguồn : cafef.vn)
Xem thêm :