Sau khi trường chấp nhận và cho phép nhập học, sinh viên phải lên kế hoạch xin visa, tìm nơi cư trú và sắp xếp chuyến đi Mỹ.
>> Bài viết liên quan:
Top 9 đại học đào tạo ngành kinh doanh tốt nhất nước Mỹ
Bốn điều sinh viên quốc tế nên làm khi mới đến Mỹ
Có nhiều việc quan trọng cần thực hiện trước khi bắt đầu hành trình học tập. Mauro Diaz, Trưởng khoa về các vấn đề quốc tế, Đại học Woodbury, California, Mỹ, cho rằng việc chuẩn bị kỹ càng sẽ giúp sinh viên không bỏ lỡ cơ hội du học, giúp cuộc sống dễ dàng hơn khi sống tại Mỹ.
Xin visa
Khi học sinh, sinh viên quốc tế được một đại học Mỹ chấp nhận đơn xin học, trường sẽ gửi mẫu đơn I-20, chứng nhận ứng viên đủ điều kiện xin visa học tập F-1 hoặc visa học nghề M-1.
Olivier Nizeyimana, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn giáo dục IGN (Texas, Mỹ), cho biết khi nhận được I-20, sinh viên có trách nhiệm trả phí SEVIS cho Bộ An ninh Nội địa Mỹ.
SEVIS là một cơ sở dữ liệu, giúp chính phủ Mỹ lưu trữ thông tin về sinh viên quốc tế khi học tập tại nước này. Từ hè năm ngoái, phí SEVIS tăng từ 200 USD (khoảng 4,6 triệu đồng) lên 350 USD. Sinh viên quốc tế phải trả SEVIS trước khi báo cáo với Đại sứ quán Mỹ tại nước mình để xin lịch hẹn phỏng vấn.
“Khi đến Đại sứ quán, sinh viên phải cầm theo biên lai nộp SEVIS. Các em cần lưu ý, phí SEVIS khác với lệ phí xin visa”, Olivier nói.
Colleen Flynn Thapalia, Giám đốc cao cấp về tuyển dụng sau đại học và tiếp thị tuyển sinh, Đại học Clarkson (New York), cho rằng sinh viên nên có kế hoạch xin visa năm tháng trước khi kỳ học bắt đầu, sớm kết nối với văn phòng dịch vụ sinh viên quốc tế của trường để được hướng dẫn.
Tìm hiểu nội quy trường
Các chuyên gia khuyên sinh viên quốc tế, những người được cho phép nhập học cần chủ động tìm hiểu thông tin du học của trường mình sắp theo học.
Olivier cho biết Đại sứ quán Mỹ tại các nước hoặc tổ chức giáo dục Mỹ như IGN thường cung cấp khóa định hướng tiền du học cho sinh viên quốc tế. Các khóa học này hướng dẫn những việc cần làm khi sinh viên dến Mỹ, cung cấp địa chỉ mua sách giáo khoa, thời tiết khu vực, quy định trang phục, những cú sốc văn hóa có thể gặp…
Khi đến Mỹ, du học sinh tiếp tục được tham gia lớp định hướng, giới thiệu về trường, các dịch vụ hỗ trợ học tập và dạy kèm miễn phí, câu lạc bộ và thông tin học phí, khoản vay… “Thông tin này cho phép du học sinh làm quen với nội quy trường, chủ động xây dựng kế hoạch học tập để thành công trong môi trường học tập mới”, Olivier nói.
Kelly Umutoni, cựu sinh viên ngành Kiến trúc, Đại học Clemson (California, Mỹ) khuyên du học sinh không nên bỏ lỡ các lớp định hướng do trường tổ chức. “Các nhân viên phụ trách sinh viên quốc tế rất hiểu khó khăn du học sinh gặp phải nên có thể đưa ra lời khuyên tốt nhất cho bạn. Lớp học này cũng là cơ hội để gặp gỡ du học sinh đến từ nhiều quốc gia khác”, Kelly nói.
Tìm nơi cư trú
Bộ phận cư trú của các đại học thường gửi giấy tờ và bảng câu hỏi về lối sống, sở thích cho du học sinh để cân nhắc việc có xếp sinh viên này vào ký túc xá hay không. Nhiều đại học Mỹ yêu cầu sinh viên ở trong ký túc xá, đặc biệt là sinh viên năm nhất.
Osama Sultan, sinh viên thiết kế đồ họa cấp cao tại Đại học Woodbury, khuyên du học sinh nên đăng ký ở ký túc xá ngay khi được trường chấp nhận đơn nhập học. “Sống trong ký túc xá là cách kết bạn đơn giản và nhanh chóng nhất khi chuyển đến sống tại một đất nước mới”, Sultan nói.
Nếu không lựa chọn ở ký túc xá, du học sinh có thể thuê homestay, ở căn hộ chung cư một mình hoặc với người bản xứ.
Sắp xếp chuyến đi
Sinh viên mới vào Mỹ bằng visa F-1 hoặc M-1 có thể đến Mỹ 30 ngày trước kỳ học bắt đầu. Du học sinh cần mang theo hộ chiếu, visa và mẫu I-20. Chuyên gia khuyên du học sinh nên đến Mỹ càng sớm càng tốt, đề phòng trục trặc khi mua vé máy bay, tìm chỗ ở ảnh hưởng đến thời gian nhập học.
Thapalia khuyên những sinh viên muốn đến Đại học Clarkson ở New York nên bay đến Chicago hoặc Washington, những nơi có nhiều chuyến bay, để chuyển tiếp đến nơi mình cần. Thapalia cho rằng nếu chu đáo lo liệu những việc chi tiết như vậy sẽ giúp du học sinh đảm bảo đến Mỹ nhập học một cách thuận lợi.
Nguồn: Vnexpress – Thanh Hằng (Theo US News & World report)