Sau áp lực chuỗi cung ứng và lạm phát, giá thịt lợn Mỹ có thể sẽ tăng vì luật mới liên quan đến diện tích chuồng lợn của California.
California, thị trường thịt lợn lớn nhất của Mỹ, đã thông qua luật phúc lợi động vật mới, có hiệu lực từ 1/1 tới, yêu cầu các sản phẩm thịt lợn bán trong bang phải tuân thủ các tiêu chuẩn lợn nái được sống trong chuồng có diện tích tối thiểu 24 feet vuông (khoảng 2,2 m2). Trang trại không được phép nuôi lợn nái mang thai trong loại chuồng cũi 14 feet vuông (khoảng 1,3 m2), nơi chúng bị hạn chế di chuyển.
Đây là chính sách mới nhất trong một loạt các động thái tập trung vào quyền lợi động vật, có thể thay đổi cách thức chăn nuôi và bán thịt lợn ở Mỹ. Trey Malone, Phó giáo sư tại Khoa Kinh tế Nông nghiệp, Thực phẩm và Tài nguyên của Đại học Michigan, cho biết sẽ có những tác động lâu dài từ luật mới. “Đây là điều mà toàn ngành nông nghiệp đang hết sức chú ý”, ông nói.
Tuy nhiên, cả năm qua, các nhà sản xuất thịt lợn đã cảnh báo rằng luật mới sẽ làm tăng thêm chi phí trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Điều này cuối cùng sẽ khiến người dân California và nơi khác mua thịt lợn đắt hơn và ít lựa chọn hơn.
Vấn đề chuồng trại cho gia súc, gia cầm đã nóng lên ở Mỹ từ 2018, khi California thông qua “Dự luật 12”, cấm nhốt gà đẻ trứng, bê và lợn giống theo cách “tàn nhẫn”. Chính sách này thiết lập các tiêu chí về điều kiện sống thích hợp cho vật nuôi và các rào cản thương mại đối với trứng và thịt động vật không được nuôi theo tiêu chuẩn đó.
Một số yêu cầu về không gian sống tối thiểu với gà mái và bê có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Trong khi đó, đợt quy định thứ hai, yêu cầu không nuôi nhốt lợn sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau.
Các nhóm bảo vệ động vật phản đối các chuồng cũi, nơi các con lợn hầu như chỉ đứng một chỗ trong khung kim loại trên sàn bê tông mà không thể xoay chuyển. Lợn nái phải dành phần lớn cuộc đời trong loại chuồng này.
Trong diện tích nhỏ hẹp, một con lợn đang mang thai nặng 400 kg chỉ có thể cho ăn, đứng, ngồi và nằm, nhưng nó không có không gian để đi lại, di chuyển tự do, giao tiếp xã hội. Hiệp hội Nhân đạo Mỹ là đơn vị bỏ phiếu thông qua luật mới.
“Một số nhà sản xuất thịt lợn sẽ không để lợn mẹ quay đầu lại được”, Josh Balk, Phó chủ tịch bảo vệ động vật trang trại của hiệp hội nói. Theo ông, những người Mỹ bình thường nghĩ rằng đó là một cách đối xử man rợ với chúng.
Tuy nhiên, thông lệ này đã trở thành một tiêu chuẩn của ngành chăn nuôi, với hơn 75% lợn nái mang thai được nuôi trong các chuồng cũi, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Những người chăn nuôi và sản xuất thịt lợn cho biết các chuồng cũi giúp họ theo dõi lượng thức ăn và tình trạng sức khỏe của từng cá thể suốt quá trình mang thai. Họ cho rằng có nhiều rủi ro gia tăng – chẳng hạn như gây hấn, cạnh tranh thức ăn và dịch bệnh – khi lợn, đặc biệt là lợn nái mang thai, ở trong môi trường nuôi theo nhóm với những con khác.
Điều đáng lưu ý là Dự luật 12 của California, cũng như một luật tương tự đã được Massachusetts thông qua vào năm 2016, là nó áp dụng cho các nhà sản xuất trong bang và cả bên ngoài bang nếu muốn bán hàng ở bang này.
Theo Christine McCracken, nhà phân tích cấp cao của Rabobank, một tổ chức tài chính tập trung vào kinh doanh nông nghiệp, mức độ sẵn sàng đáp ứng quy định mới của ngành thịt lợn không quá 5%.
Một phần nguyên nhân là kể từ khi thông qua Dự luật 12, giới chức nông nghiệp California đã chậm tiến độ thông qua các quy trình hoạt động tiêu chuẩn chi tiết. Họ vẫn đang thu thập ý kiến của các bên liên quan, tổ chức hội thảo, nghiên cứu tác động kinh tế, và tổ chức các phiên điều trần công khai.
Theo McCracken, các quy định vẫn chưa được hoàn thiện. Trong khi, các doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng đã đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc chốt các giao dịch dài hạn. Một khi họ quyết định tuân thủ Dự luật 12, có thể phải mất thêm một khoảng thời gian để nâng cấp, nhất là khi họ vừa mới vật lộn với những khó khăn do đại dịch gây ra.
“Nhiều người trong ngành suy đoán rằng, giống như Massachusetts, sẽ có nỗ lực vào phút cuối để trì hoãn việc triển khai quy định”, McCracken nói. Hiện quy định của Massachusetts bị hoãn thực thi đến 1/1/2023.
Các quy định của California áp dụng cho thịt lợn hơi và các loại thịt bán lẻ như thịt xông khói, sườn, vai, sườn, móng giò. Tuy nhiên, một số loại thịt sẽ được miễn trừ quy định như thịt nguội, xúc xích, giăm bông, thịt để trên bánh pizza.
Theo Trey Malone, nhà kinh tế nông nghiệp của Đại học Michigan, luật này sẽ khiến có ít sản phẩm thịt để lựa chọn hơn. Một số sẽ trở nên quá đắt đối với những người có thu nhập thấp, hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận dinh dưỡng hợp lý của họ. “Điều thực sự đang xảy ra là về cơ bản chúng ta đang cố gắng hạn chế các lựa chọn giá thấp. Chính những người nghèo có nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi những chính sách này”, ông nói.
Tiền lệ đã có. Năm 2015, California yêu cầu gà mái phải có chuồng rộng hơn. Các nhà nghiên cứu của Rabobank phát hiện ra rằng, trong những tháng sau luật mới, giá trứng đã tăng hơn gấp đôi ở bang này và gần như tương tự ở những nơi khác ở Mỹ trước khi ổn định trở lại bình thường vào năm sau. “Nếu các bang quyết định làm theo như California, chúng ta thực sự có thể thấy giá thịt lợn sẽ tăng trên diện rộng”, Trey Malone nói.
Các công ty thịt lợn đã tìm đến tòa án, cáo buộc luật mới vi phạm “Điều khoản Thương mại Dormant”, không cho phép một bang thông qua luật hạn chế thương mại với các bang. Các thách thức pháp lý của họ cho đến nay vẫn chưa thành công. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành vẫn kiên trì. Đầu tháng này, Hội đồng Nhà sản xuất Thịt lợn Quốc gia và Liên đoàn Cục Trang trại Mỹ đã kiến nghị lên Tòa án Tối cao Mỹ xét xử vụ kiện của họ đối với Dự luật 12.
Trong bản kiến nghị, họ lập luận rằng đề xuất ở California, một bang tiêu thụ 13% lượng thịt lợn nhưng chỉ sản xuất một phần nhỏ trong số đó, sẽ làm tăng chi phí cho toàn ngành lên khoảng 13 USD cho mỗi con lợn. Gánh nặng sẽ đổ dồn lên các nhà sản xuất tư nhân. Giá cả sẽ tăng ở trong và ngoài California.
Tại Iowa, nhà cung cấp thịt lợn lớn nhất quốc gia, các nhà sản xuất và thượng nghị sĩ đã lên tiếng phản đối. Các báo cáo tác động kinh tế của một số tập đoàn thịt lợn đầu ngành dự đoán việc cải tạo có thể tốn khoảng 3.500 USD mỗi con lợn nái, cắt giảm một nửa nguồn cung và khiến giá tăng khoảng 50% đến 60% ở California.
Nhưng các nghiên cứu khác của các nhóm bên ngoài và bang California chỉ ra rằng rất nhiều chi phí có thể bị phóng đại. Cơ quan Lương thực và Nông nghiệp California cho rằng Dự luật 12 sẽ dẫn đến chi phí cao hơn cho một số người tiêu dùng, nhà sản xuất, trường học, nhà tù. Tuy nhiên, mức tăng được cho là sẽ nhẹ.
Các dự báo về tác động kinh tế của California kết luận Dự luật 12 có khả năng làm tăng chi phí thực phẩm của một người dân thêm 50 USD mỗi năm. Nhóm các nhà kinh tế học tại Trường Nông nghiệp và Khoa học Môi trường của Đại học California Davis ước tính chi phí hàng năm mà người tiêu dùng phải trả thêm chỉ 8 USD. Họ cũng dự đoán bang sẽ mua thịt lợn ít hơn khoảng 6,3%.
Bên ngoài bang, các nhà kinh tế nói rằng ảnh hưởng sẽ không đáng kể.
Các quy định của California và Massachusetts không cá biệt. Liên minh châu Âu, Australia, Canada, New Zealand và gần chục bang đã thông qua luật cấm nhốt chuồng cũi với lợn nái mang thai. Một số doanh nghiệp thực phẩm tên tuổi – McDonald’s, Whole Foods và Chipotle – cũng cam kết tương tự.
Giám đốc điều hành Tyson Donnie King cho biết quy định mới không phải là điều họ hào hứng, nhưng có thể sắp xếp được. Còn tại Holly Park Market ở San Francisco, thịt lợn là loại được nuôi trên đồng cỏ. Angela Wilson, Chủ sở hữu cho biết không bị ảnh hưởng bởi luật mới.
“Người Mỹ không quen với việc chi trả đúng giá trị thực của thực phẩm, thịt lợn là một trong số đó. Cố gắng làm điều đúng và chi trả xứng đáng cho công việc, người lao động là điều thực sự khó khăn trong nền kinh tế của chúng ta”, bà nói.
Đầu tư Mỹ theo Phiên An VNE (Nguồn tin: CNN)