Dấu ấn nghiên cứu thực nghiệm của ba nhà khoa học giành Nobel Kinh tế 2021

0
336
Dấu ấn nghiên cứu thực nghiệm của ba nhà khoa học giành Nobel Kinh tế 2021
Dấu ấn nghiên cứu thực nghiệm của ba nhà khoa học giành Nobel Kinh tế 2021

Nghiên cứu thực nghiệm trong kinh tế phát triển lên một cột mốc mới kể từ năm 1990, nhờ công của 3 nhà khoa học đạt Nobel năm nay.

Cuộc cách mạng về độ tin cậy trong nghiên cứu đã làm thay đổi nền kinh tế thế giới kể từ những năm 1990. Trước đó, nghiên cứu lý thuyết đóng vai trò thống trị, còn công việc thực nghiệm chỉ là phụ. “Hầu như không ai xem xét việc phân tích dữ liệu một cách nghiêm túc”, Edward Leamer của Đại học California, Los Angeles, tuyên bố trong một bài báo xuất bản năm 1983.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng một thập kỷ sau đó, các công trình mới và sáng tạo đã dẫn đến nhiều thay đổi, đến mức phần lớn các nghiên cứu đáng chú ý ngày nay là thực nghiệm. Vì đã giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi này, David Card của Đại học California Berkeley đã chia sẻ giải thưởng Nobel Kinh tế 2021 cùng với Joshua Angrist của Viện Công nghệ Massachusetts và Guido Imbens của Đại học Stanford, hôm 11/10.

Trong thế giới thực đầy phức tạp, việc đúc kết một mối quan hệ nguyên nhân và hệ quả (quan hệ nhân quả) có thể là một thách thức đối với các nhà kinh tế. Ví dụ, kết luận việc tăng lương tối thiểu ảnh hưởng thế nào đến việc làm rất phức tạp. Bởi thực tế còn những yếu tố tác động khác, có thể đã góp phần tạo ra những thay đổi trong cả chính sách và việc làm.

Trong các lĩnh vực khoa học khác, các nhà nghiên cứu thiết lập quan hệ nhân quả bằng cách thiết kế các thí nghiệm trong đó các đối tượng được phân ngẫu nhiên vào các nhóm khác nhau. Chỉ một trong số họ nhận được một “phương pháp điều trị” cụ thể, để có thể thấy rõ tác dụng của chúng.

Nhiều nhà kinh tế học cũng đang sử dụng các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng như vậy. Giải Nobel Kinh tế 2019 cũng đã khen thưởng những nỗ lực đó. Nhưng nhiều câu hỏi vẫn không thể được nghiên cứu theo cách này vì lý do chính trị, hậu cần hoặc đạo đức.

Phác hoạ chân dung 3 nhà khoa học đạt Nobel Kinh tế 2021. Nguồn: Nobel Prize Outreach

Phác hoạ chân dung 3 nhà khoa học đạt Nobel Kinh tế 2021. Nguồn: Nobel Prize Outreach

Riêng 3 nhà khoa học đạt Nobel Kinh tế năm nay đã vượt qua những trở ngại như vậy, bằng cách sử dụng “thí nghiệm tự nhiên”. Có nghĩa là, một số hoàn cảnh đặc biệt của lịch sử khách quan đã tạo ra tác động tương tự như một cuộc thử nghiệm có chủ đích.

Trong một báo cáo khoa học mang tính bước ngoặt được xuất bản năm 1994, ông David Card và Alan Krueger đã nghiên cứu tác động của việc tăng lương tối thiểu ở New Jersey (Mỹ) bằng cách so sánh sự thay đổi trong việc làm ở đó với bang Pennsylvania láng giềng, nơi mức lương không thay đổi.

Mặc dù lý thuyết dự đoán rằng việc tăng lương tối thiểu sẽ kéo theo sự sụt giảm mạnh về việc làm. Nhưng đáng chú ý, hiệu ứng như vậy dường như không được duy trì trong thực tế. Nghiên cứu đã truyền cảm hứng cho các công việc thực nghiệm sâu hơn và truyền nguồn năng lượng mới vào suy nghĩ về thị trường lao động. Krueger, người đã qua đời vào năm 2019, có lẽ đã chia sẻ giải thưởng nếu ông ấy còn sống.

Việc sử dụng các thí nghiệm tự nhiên như vậy nhanh chóng lan rộng. Card đã phân tích một tình huống độc đáo khác. Đó là quyết định của Fidel Castro vào năm 1980 cho phép di cư ra khỏi Cuba, để xem xét tác động của nhập cư đối với thị trường lao động địa phương.

Khoảng một nửa trong số 125.000 người Cuba đến Mỹ đã định cư ở Miami. Card so sánh tác động ở thành phố này với bốn nơi khác có nhiều khía cạnh tương tự, nhưng không có dòng người di cư. Kết quả, ông nhận thấy cả tiền lương và việc làm của người lao động bản địa đều không bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, ông Joshua Angrist cùng với Krueger, đã sử dụng một kỹ thuật tương tự để xem xét tác động của giáo dục đối với kết quả thị trường lao động. Theo đó, những sinh viên có khuynh hướng học vấn cao hơn có thể vừa dành nhiều thời gian ở trường vừa kiếm được nhiều tiền hơn trong công việc.

Để xác định mối quan hệ nhân quả, các nhà nghiên cứu đã sử dụng những đặc điểm của hệ thống giáo dục của Mỹ. Mặc dù luật pháp thường cho phép học sinh nghỉ học khi đủ 16 tuổi, nhưng những ai sinh cùng năm đều bắt đầu đi học vào cùng một ngày, bất kể sinh nhật của chúng.

Do đó, những người sinh vào tháng Giêng, trung bình được đi học nhiều hơn những người sinh vào tháng Mười Hai. Và các nhà nghiên cứu nhận thấy, những người đó cũng có xu hướng kiếm được nhiều tiền hơn. Vì tháng sinh của học sinh có thể được giả định là ngẫu nhiên, họ kết luận rằng việc học nhiều hơn giúp thu nhập cao hơn.

Nghiên cứu về thời gian đi học cho thấy rằng học thêm một năm làm tăng thu nhập sau đó lên 9%. Một tác động như vậy dường như quá lớn đối với nhiều nhà kinh tế học. Nhưng điều đó phản ánh sự khác biệt trong định nghĩa, ông Angrist rút ra kết luận như vậy khi làm việc với ông Imbens.

Hai học giả lưu ý rằng hiệu quả của một “phương pháp điều trị” sẽ không giống nhau với tất cả mọi người trong một thí nghiệm tự nhiên. Ví dụ, nếu độ tuổi mà học sinh có thể bỏ học được nâng từ 16 lên 17, một số sẽ bị buộc phải học thêm một năm học; những người khác – những người luôn có ý định ở lại trường lâu hơn – sẽ không bị ảnh hưởng.

Các nhà nghiên cứu đã cùng nhau phát triển các phương pháp thống kê để làm cho kết luận từ các thí nghiệm tự nhiên trở nên hữu ích hơn. Các nhà kinh tế gọi yếu tố được sử dụng trong các thí nghiệm tự nhiên (như tháng sinh của một học sinh) như một “công cụ”.

Angrist và Imbens đã giải thích những giả định cần có để việc sử dụng một công cụ có hiệu lực: ví dụ, nó chỉ ảnh hưởng đến kết quả đang được nghiên cứu (trong trường hợp này là thu nhập) thông qua ảnh hưởng của nó đối với việc “điều trị” (số năm đi học), mà không qua các kênh khác.

Bằng cách đặt ra những giả định này, các nhà nghiên cứu đã cho phép phân tích phức tạp hơn. Chẳng hạn, việc tăng thu nhập trong trường hợp trên, chỉ áp dụng cho những sinh viên đầu năm và những người buộc phải ở lại trường lâu hơn. Hơn nữa, phương pháp mà các nhà nghiên cứu mô tả đã cải thiện tính minh bạch của các phát hiện của các nhà kinh tế. Người đọc nghiên cứu có thể tự đánh giá xem một công cụ đáp ứng các giả định cần thiết tốt như thế nào và rút ra kết quả tương ứng.

Steve Pischke, Giáo sư kinh tế Trường Kinh tế London, cho biết tác động công việc của ba nhà nghiên cứu trong việc sử dụng các thí nghiệm tự nhiên rất sâu rộng. “Nó thực sự rất lớn. Mọi người đã ảnh hưởng rất nhiều và tôi nghĩ nghiên cứu được triển khai đa dạng hình thức, lan rộng sang các lĩnh vực kinh tế khác, nơi những phương pháp này hiện được sử dụng thường xuyên”, ông nói.

Giống như bất kỳ phương pháp khoa học nào, cuộc cách mạng nghiên cứu thực nghiệm cũng có những điểm không hoàn hảo. Các nhà phê bình chỉ ra rằng có trường hợp nghiên cứu bất cẩn và khai thác dữ kiện để cố tình tìm kiếm các kết quả có vẻ có ý nghĩa. Các học giả còn đôi khi quá háo hức để ngoại suy những phát hiện từ một thí nghiệm tự nhiên cụ thể theo những cách có thể không được chứng minh, dựa trên sự độc đáo của hoàn cảnh.

Tuy nhiên, những đổi mới được phát triển bởi những người đi đầu trong năm nay chắc chắn đã thay đổi lĩnh vực này trở nên tốt đẹp, làm sáng tỏ những câu hỏi từng bị che khuất trong bóng tối và buộc các nhà kinh tế học đẩy lý thuyết theo hướng mô tả tốt hơn trải nghiệm trong thế giới thực. Đây thực sự là một nguyên nhân để giải Nobel vinh danh.

Ba nhà khoa học giành Nobel Kinh tế 2021

David Card, Joshua Angrist và Guido Imbens được trao giải với nghiên cứu thực nghiệm về kinh tế lao động và phương pháp luận trong quan hệ nhân quả.

Vào 16h55 ngày 11/10 (giờ Hà Nội), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Kinh tế học 2021 thuộc về 3 nhà khoa học David Card, Joshua Angrist và Guido Imbens.

David Card, sinh năm 1956 tại Canada, giảng dạy tại Đại học California, Berkeley (Mỹ) đã được trao một nửa giải Nobel năm 2021 “vì những đóng góp thực nghiệm với kinh tế lao động”.

Trong khi đó, hai nhà khoa học Joshua Angrist (sinh năm 1960) của Viện Công nghệ Massachusetts và Guido Imbens (sinh năm 1963) của Đại học Stanford nhận một nửa giải Nobel còn lại “vì những đóng góp về phương pháp luận trong việc phân tích các mối quan hệ nhân quả”.

Từ trái sang, David Card, Joshua Angrist và Guido Imbens. Ảnh: Đại học California, Berkeley, Wikipedia và Đại học Stanford.

Từ trái sang, David Card, Joshua Angrist và Guido Imbens. Ảnh: Đại học California, Berkeley, Wikipedia và Đại học Stanford.

Các công trình của 3 nhà khoa học này được rút ra từ các thí nghiệm ngoài ý muốn, hay còn gọi là “thí nghiệm tự nhiên”. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết đánh giá, chủ nhân của giải Nobel Kinh tế 2021 đã “hoàn toàn định hình lại công việc thực nghiệm trong khoa học kinh tế”.

Cũng theo tổ chức này, 3 nhà khoa học “đã cung cấp cho chúng tôi những hiểu biết mới về thị trường lao động và chỉ ra những kết luận về nguyên nhân và kết quả có thể được rút ra từ các thí nghiệm tự nhiên”. Cách tiếp cận của họ đã lan rộng sang các lĩnh vực khác và cách mạng hóa nghiên cứu thực nghiệm.

Đầu những năm 1990, Card có một nghiên cứu thực nghiệm về tác động của việc tăng lương tối thiểu ở bang New Jersey (Mỹ) đối với lĩnh vực thức ăn nhanh. Kết quả nghiên cứu đã dẫn đến đánh giá thông thường rằng, mức tăng lương như vậy luôn dẫn đến việc giảm tuyển dụng.

Một nghiên cứu khác của ông là tác động của chính quyền Cuba vào năm 1980 cho phép người dân rời khỏi đất nước nếu muốn. Mặc dù lượng người di cư đến Miami sau đó cao, Card không tìm thấy tác động tiêu cực nào về tiền lương hoặc lao động đối với những người dân Miami có trình độ học vấn thấp.

Ủy ban trao giải lưu ý rằng các thí nghiệm tự nhiên rất khó giải thích, nhưng Angrist và Imbens vào giữa những năm 1990 đã giải quyết các vấn đề phương pháp luận để cho thấy rằng các kết luận chính xác về nguyên nhân và kết quả có thể được rút ra từ chúng.

“Tôi thực sự choáng váng khi nhận được cuộc điện thoại, sau đó tôi vô cùng xúc động khi biết tin này,” Imbens nói trong cuộc gọi với các phóng viên ở Stockholm. Ông cũng cho biết rất xúc động khi được chia sẻ giải thưởng với hai người bạn tốt của mình. Ông Angrist thậm chí còn là phù rể trong đám cưới của Imbens.

Năm ngoái, giải Nobel Kinh tế học thuộc về hai nhà khoa học Mỹ là Paul R.Milgrom và Robert B.Wilson. Cả hai đã có đóng góp vào việc cải thiện lý thuyết đấu giá và sáng tạo ra các hình thức đấu giá mới.

Kinh tế thường là giải thưởng cuối cùng được trao mỗi mùa Nobel hằng năm, sau Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học và Hòa bình. Nobel cho lĩnh vực kinh tế không thuộc cơ cấu giải thưởng ban đầu trong di chúc của nhà khoa học Thụy Điển – Alfred Nobel. Giải này được bổ sung năm 1968, nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Ngân hàng Trung ương Thụy Điển – Sveriges Riksbank, cũng là đơn vị đóng góp quỹ cho giải thưởng này.

Dù vậy, quy trình đề cử, chọn lọc và trao giải Nobel Kinh tế vẫn tương tự các lĩnh vực khác. Nhà khoa học giành Nobel Kinh tế năm nay sẽ được trao 10 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 1,14 triệu USD). Đến nay, giải Nobel Kinh tế học đã được trao 52 lần cho 87 nhà khoa học.

Danh sách Nobel Kinh tế các năm 2009 – 2021

Năm Người đoạt giải Công trình Quốc gia
2021 David Card, Joshua Angrist, Guido Imbens. Nghiên cứu thực nghiệm kinh tế lao động

Phương pháp luận trong việc phân tích các mối quan hệ nhân quả về kinh tế

Canada, Mỹ
2020 Paul R.Milgrom, Robert B.Wilson Cải thiện lý thuyết đấu giá và sáng tạo ra các hình thức đấu giá mới Mỹ
2019

Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer

Cách tiếp cận thực nghiệm trong việc giảm nghèo toàn cầu Mỹ và Pháp
2018

William Nordhaus

Paul Romer

Kinh tế học khí hậu

Thuyết tăng trưởng nội sinh

Mỹ
2017 Richard H.Thaler Kinh tế học hành vi Mỹ
2016 Oliver Hart và Bengt Holmström Lý thuyết hợp đồng Mỹ và Phần Lan
2015 Angus Deaton Mối quan hệ giữa tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi Mỹ
2014 Jean Tirole Cách thức quản lý các tập đoàn, công ty lớn trên thị trường. Pháp
2013 Eugene F. Fama, Lars Peter Hansen, Robert J. Shiller Phân tích giá tài sản Mỹ
2012 Alvivin E.Roth và Lloyd S.Shapley Lý thuyết phân phối ổn định và thực tiễn về tạo lập thị trường Mỹ
2011 Thomas J. Sargent và Christopher A. Sims Mối quan hệ giữa chính sách kinh tế vĩ mô và tác động của chúng lên nền kinh tế Mỹ
2010 Peter A. Diamond, Dale T. Mortensen và Christopher A. Pissarides Công thức mới cho sự tương tác trên thị trường, giữa bên có hàng hóa, dịch vụ, việc làm… với bên đi tìm kiếm Anh, Mỹ
2009 Elinor Ostrom và Oliver E. Williamson Phương thức điều hành nền kinh tế Mỹ

Phiên An VNE (theo The Economist, Reuters)

Bình luận đã bị đóng.