Với Fed, việc giúp nền kinh tế thoát khỏi Covid-19 dường như còn dễ dàng hơn mục tiêu hiện tại: kiềm chế lạm phát mà không gây suy thoái.
Bill Dudley – cựu chủ tịch Fed New York cho biết trên CNN rằng việc đưa kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” sẽ rất thách thức do thị trường lao động đang rất nóng, đến mức để kiềm chế lạm phát, giới chức sẽ phải tăng tỷ lệ thất nghiệp. “Khả năng làm được việc này rất, rất thấp”, ông nhận định.
Lịch sử thì không đứng về phía Fed. “Trong quá khứ, khi nâng tỷ lệ thất nghiệp lên, anh gần như không thể thoát suy thoái”, Dudley cho biết, “Vấn đề mà Fed phải đối mặt là giờ đã quá muộn rồi”.
Rủi ro việc nâng lãi suất để giảm lạm phát
Trên lý thuyết, Fed vẫn có khả năng bắt kịp tốc độ lạm phát, bằng cách nâng lãi suất thật nhanh. Cơ quan này được kỳ vọng hôm nay sẽ nâng lãi suất thêm 0,5% lần đầu tiên kể từ năm 2000. Các thị trường đang chuẩn bị cho đợt nâng lãi lớn trong bối cảnh lạm phát Mỹ cao nhất 40 năm.
Cũng trên lý thuyết, Fed có thể nâng lãi cao tùy ý để chặn đà lạm phát. Tuy nhiên, nó cũng làm tăng rủi ro rằng một sự tính toán sai lầm có thể bóp chết đà phục hồi quá sớm.
“Đó là lý do vì sao hạ cánh mềm là việc rất khó”, Dudley nói, “Đến khi nhận ra mình làm quá tay, anh đã rơi vào suy thoái rồi”.
Quan chức Fed và một số nhà kinh tế bày tỏ sự lạc quan một cách thận trọng về việc ngăn hạ cánh cứng. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã chỉ ra hạ cánh mềm diễn ra vào năm 1965, 1984 và 1994. “Tôi tin rằng lịch sử cho thấy có lý do để lạc quan. Hạ cánh mềm khá phổ biến”, Powell cho biết trong một bài phát biểu hồi tháng 3.
Khó khăn trong việc kiềm chế lạm phát
Tuy nhiên, Dudley cho rằng trong các ví dụ của Powell, tỷ lệ thất nghiệp thực sự không tăng. Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là 3,6%, nằm trong khoảng được Fed coi là “toàn dụng”. Tỷ lệ này có thể tiếp tục giảm, chạm mốc chưa từng có kể từ thập niên 50.
“Fed sẽ phải làm giảm tốc nền kinh tế và thị trường lao động. Việc này rất khó”, ông nói. Dudley chỉ ra rằng theo lịch sử, khi tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng, nó thường “châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn diện”.
Đây cũng có thể là lý do về tâm lý. “Khi người dân thấy thị trường lao động bắt đầu xuống dốc, họ sẽ lo lắng về tương lai việc làm của mình, từ đó giảm chi tiêu”, ông giải thích.
Tìm hiểu thêm: Lạm phát khiến người dân Mỹ đổi việc để có mức lương tốt hơn
Rủi ro suy thoái thấp
Tin tốt là suy thoái dường như chưa có dấu hiệu xuất hiện. Goldman Sachs đã nói với các khách hàng rằng việc suy thoái không phải là không tránh được. Tuy nhiên, những lo lắng về nền kinh tế được củng cố bằng báo cáo GDP tuần trước, cho thấy Mỹ tăng trưởng âm trong quý I.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng GDP giảm đột ngột phản ánh các yếu tố mang tính tạm thời, gây sức ép lên tiêu dùng và đầu tư của doanh nghiệp. Dudley cho biết GDP âm vì “một số yếu tố điên rồ” liên quan đến tồn kho và thương mại. Ông cho rằng nhu cầu nền tảng trong nền kinh tế vẫn mạnh. “Khả năng suy thoái trong năm tới rất thấp”, ông dự báo.
Sự lo ngại về kinh tế Mỹ năm 2023 và 2024
Lo ngại hiện tại là kinh tế Mỹ năm 2023 và 2024 sẽ chống chịu thế nào trước một loạt đợt nâng lãi sắp tới. Lãi suất cơ bản tăng có thể kéo theo lãi vay mua nhà, mua ôtô, lãi thẻ tín dụng và vay kinh doanh.
Lãi suất tăng liên tiếp sẽ hãm phanh nền kinh tế. Việc này sẽ khiến rủi ro suy thoái “tăng lên nhiều”, Dudley cho biết. Rủi ro suy thoái năm 2023 và 2024 “chắc chắn cao hơn 50%”.
Kịch bản đã xảy ra năm 2019
Dĩ nhiên, Fed có thể quyết định ngừng nâng lãi suất nếu sợ gây ra suy thoái. Theo một mặt nào đó, đây chính là kịch bản đã xảy ra năm 2019, khi Fed dừng tăng lãi suất vì lo ngại kinh tế giảm tốc. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó vì Covid-19 xuất hiện ngay đầu năm sau, buộc Fed giảm lãi suất.
“Fed có thể cố trì hoãn”, Dudley nói, “Nhưng nếu họ làm vậy, lạm phát có thể quay lại, và họ sẽ phải kéo phanh sâu hơn nữa. Trì hoãn không thực sự mang lại hiệu quả đâu. Nó chỉ khiến việc hạ cánh thêm khó khăn thôi”.
Sai lầm chính sách
Nỗi lo suy thoái đã phản ánh tình thế khó khăn hiện tại của Fed. Mùa xuân và hè năm ngoái, họ phớt lờ lạm phát cao, vì cho rằng kinh tế đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Fed giữ nguyên các chính sách khẩn cấp và hy vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt.
Tuy nhiên, lạm phát sau đó kéo dài và lan ra rộng hơn dự kiến, một phần vì gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 và hiện tại là do chiến sự Ukraine. Bên cạnh đó, thị trường việc làm quay về trạng thái toàn dụng nhanh hơn dự kiến. Powell thừa nhận hồi tháng 3.
Dù Dudley cho rằng Fed “đáng khen” vì phản ứng “mạnh và nhanh” với đại dịch đầu năm 2020, họ cũng phải chịu trách nhiệm vì để lạm phát tăng tốc. “Họ đã quá chậm chạp trong việc rút chính sách nới lỏng”, Dudley cho biết, “Đó là một sai lầm chính sách”.
Tìm hiểu thêm: Lạm phát cao nhất 40 năm bủa vây người Mỹ
Dautumy.vn (nguồn vnexpress theo CNN)