OPEC từng khiến Mỹ lao đao vì lệnh cấm vận dầu mỏ, nhưng giờ lại có thể làm theo mong muốn của Washington.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thành lập ngày 14/9/1960 tại Baghdad (Iraq), nhằm đối trọng với quyền lực của 7 hãng dầu mỏ Anh và Mỹ. Suốt hàng thập kỷ, họ phớt lờ sức ép hạ giá dầu từ Washington. Năm 1973, Saudi Arabia và những quốc gia Arab khác thuộc OPEC còn áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ lên Mỹ, nhằm trả đũa việc nước này ủng hộ Israel trong cuộc chiến Yom Kippur (giữa Israel và Syria – Ai Cập).
OPEC đã cấm xuất khẩu dầu sang Mỹ và một số nước khác, đồng thời giảm sản xuất. Điều này đã tạo ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên trong lịch sử. Tính đến năm 1974, giá dầu đã tăng gấp bốn lần, khiến các nước nhập khẩu trải qua thời kỳ lạm phát cao và tăng trưởng trì trệ. Kinh tế Mỹ bị bóp nghẹt đột ngột khi đang phụ thuộc vào dầu ngoại. Người dân phải xếp hàng dằng dặc trước các cây xăng khi nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng và giá cả tăng cao.
Giới chức Mỹ đã phải ban hành lệnh hạn chế nhiên liệu và tốc độ di chuyển của phương tiện. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Henry Kissinger đã đàm phán với các nước Arab. Đến năm 1974, lệnh cấm được gỡ bỏ.
Sau này, những thay đổi về chính trị toàn cầu và sự bùng nổ của hoạt động sản xuất dầu tại Mỹ đã khiến OPEC dần hòa hoãn hơn với Washington. Trên Reuters, nhiều cựu quan chức và quan chức hiện tại của OPEC cho biết các nước cứng rắn nhất trong OPEC, gồm Iran và Venezuela, đều đang bị Mỹ trừng phạt. Trong khi đó, nước lãnh đạo OPEC Saudi Arabia, đã thể hiện thái độ thà nhân nhượng còn hơn liều lĩnh đánh mất sự ủng hộ của Washington.
Ba năm gần đây, sự nhân nhượng càng thể hiện rõ. Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền đầu năm 2017, OPEC liên tục nhún nhường trước những áp lực từ Washington về việc tăng sản lượng dầu. Tổng thống Trump khi đó thường xuyên kêu hạ giá nhiên liệu để giúp người tiêu dùng Mỹ.
Đến năm nay, khi giá dầu xuống quá thấp, khiến các công ty khoan dầu ở Mỹ không thể có lợi nhuận, OPEC lại đưa ra thỏa thuận nhằm kéo giá lên. Reuters trích nguồn tin thân cận cho biết việc này được thực hiện dưới áp lực của Washington.
“Trump đã nói ra mong muốn của mình với Saudi Arabia, và đều được đáp ứng”, Chakib Khelil – Cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Algeria kiêm cựu lãnh đạo OPEC nhận xét, “OPEC đã thay đổi”.
Saudi Arabia là quốc gia dẫn đầu về sản xuất dầu trong OPEC suốt nhiều thập kỷ. Điều này giúp họ có tiếng nói lớn nhất về chính sách. Vai trò của Iran và Venezuela trong OPEC giảm dần càng làm tăng thêm tiếng nói của quốc gia này.
Từ năm 2010, đóng góp của Iran vào tổng sản lượng dầu của OPEC giảm nửa, chỉ còn 7,5% hiện tại. Venezuela giảm từ gần 10% xuống 2,3%. Trong khi đó, con số này của Saudi Arabia lại tăng vọt từ 7% lên đến 35%.
Saudi Arabia trở thành quốc gia quyền lực nhất OPEC trong bối cảnh sản lượng dầu khí tại Mỹ tăng cao, biến Mỹ thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đồng thời chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu nước ngoài.
Số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gấp đôi trong một thập kỷ qua, đạt mức 12 triệu thùng dầu một ngày. Những tiến bộ kỹ thuật khoan cắt đã giúp quốc gia này tiếp cận những mỏ dầu mới. Dữ liệu của OPEC cho thấy thị phần dầu mỏ của Mỹ trên toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010. Trong khi đó, thị phần của OPEC lại dần thu hẹp.
Năm 2016, OPEC đã hợp tác với Nga và 9 nước sản xuất dầu khác để lập ra OPEC +, nhằm tăng sức ảnh hưởng. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cho rằng ảnh hưởng của OPEC+ đang giảm sút khi sản lượng dầu mỏ của Mỹ tăng vọt.
Tổng thống Trump đề cập đến OPEC nhiều hơn hẳn những người tiền nhiệm. Ông thường xuyên bình luận trên Twitter về diễn biến giá dầu và các chính sách liên quan đến sản xuất dầu.
Trump cũng gây dựng quan hệ thân thiết với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Saudi Arabia cần Mỹ để có vũ khí và và sự bảo vệ trước các đối thủ trong khu vực, như Iran. “Chưa có chính phủ nào của Mỹ tham gia sâu vào chính sách dầu mỏ của thế giới và OPEC như chính quyền Trump”, Gary Ross – nhà sáng lập Black Gold Investors nhận định.
Năm 2018, giá dầu tăng vọt lên hơn $70 một thùng. Washington cho rằng mức này quá cao với người tiêu dùng Mỹ. Tổng thống Trump đã đăng rất nhiều dòng trạng thái trên Twitter nhằm chỉ trích OPEC: “Giá dầu đang quá cao. OPEC lại làm thế rồi. Việc này là không tốt”.
9 ngày sau đó, OPEC nhóm họp và quyết định tăng sản lượng dầu thêm một triệu thùng một ngày. Reuters trích lời hai quan chức cấp cao của OPEC cho biết, sự can thiệp của Tổng thống Trump vào giá dầu mỏ đã khiến tổ chức này phải bàn bạc, thậm chí là điều chỉnh chính sách sản xuất.
Nhiều nhà quan sát thì mỉa mai rằng việc giá dầu tăng năm 2018 và 2019 phần lớn là do lệnh trừng phạt của Washington lên Iran và Venezuela. Điều này đã khiến nguồn cung mất tới 3 triệu thùng dầu một ngày.
“Nói tóm lại, OPEC giờ không còn ra quyết định có lợi nhất về kinh tế cho các nước thành viên nữa”, Khelil cho biết.
Năm 2018, khi OPEC+ tăng sản lượng dầu mỏ vì chịu áp lực từ phía Tổng thống Trump, Hossein Kazempour Ardebili – cựu thành viên Hội đồng Thống đốc OPEC nhận định trên Reuters rằng: “Họ coi giá dầu là quà tặng Trump, và để các nước thành viên chịu thiệt hại”.
Không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy các quốc gia nhỏ hơn trong OPEC sẽ ồ ạt rút khỏi tổ chức này vì sự thay đổi quan điểm trên. Tuy nhiên vẫn có những quốc gia đã quyết định rời bỏ OPEC.
Qatar rút lui năm 2019, chủ yếu vì xung đột chính trị với Riyadh. Ecuador đã rời đi năm nay và Indonesia cũng ra khỏi OPEC năm 2016. Cả hai đều cho biết không muốn bị rằng buộc bởi những hạn ngạch sản xuất của OPEC.
Những quốc gia khác có thể không đồng tình với kim chỉ nam của tổ chức này. Tuy nhiên, họ vẫn ở lại để có tiếng nói. “Là thành viên của OPEC hoặc OPEC+ sẽ giúp anh tối đa hóa lợi ích”, Reuters trích lời một nguồn tin thân cận với Iran giải thích.
Nguồn: Quốc Tuấn VNE (theo Reuters)