Giá vàng tăng trở lại đóng cửa ở mức cao nhất một tuần sau khi Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Chốt phiên ngày 12/10, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng nhẹ 0,35% lên 1.760 USD một ounce.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới công bố vào ngày 12/10, IMF nhận định kinh tế toàn cầu tăng trưởng 5,9% trong năm nay, giảm nhẹ so với dự báo gần nhất công bố vào tháng 7. IMF cho rằng kinh tế năm 2022 sẽ tăng trưởng 4,9%, thấp hơn so với dự báo lần trước. Đối với kinh tế Mỹ năm 2021, IMF hạ dự báo tăng trưởng 1% xuống còn 6%.
Trưởng bộ phận phân tích tại AvaTrade, ông Naeem Aslam, nhận xét: “Báo cáo của IMF đã cho thấy triển vọng kinh tế Mỹ xấu đi và điều này khiến vàng trở thành tài sản được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên việc giá vàng tăng có thể diễn ra trong ngắn hạn bởi thực ra áp lực mua ở hiện tại không cao”.
Biên tập viên của Gold Newsletter, ông Brien Lundin, nhận xét: “Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy kinh tế chững lại thực sự tốt cho giá vàng bởi nó có thể đồng nghĩa với sẽ có thêm chính sách tiền tệ nới lỏng từ ngân hàng trung ương các nước”.
Trong ngày 12/10, Phó chủ tịch Fed – ông Richard Clarida nói rằng diễn biến trên thị trường lao động cho thấy đã đến lúc cần phải thu hẹp chương trình mua tài sản.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm chốt phiên ở mức 1,583% từ mức 1,604% vào ngày 8/10. Thị trường trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ đóng cửa trong phiên ngày 11/10. Chỉ số Dollar Index tăng 0,2% lên 94,54 điểm trong phiên 12/10.
Việc lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tạm ngừng tăng và đồng USD lên giá sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá vàng.
Trong khi đó, nỗi lo về lạm phát khi mà kinh tế toàn cầu hồi phục từ cú sốc của đại dịch đã ảnh hưởng đến triển vọng của giá vàng. Nền kinh tế tăng trưởng quá nóng có thể buộc các ngân hàng trung ương nâng lãi suất sớm hơn.
Ba chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống khi chốt phiên 12/10. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 0,2% xuống còn 34.378,3 điểm; S&P 500 hạ 0,2% xuống còn 4.350,6 điểm; Nasdaq hạ 0,1% xuống còn 14.465,9 điểm.
Theo nhận định mới nhất của Bank of America, trong tuần này, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ chủ yếu giao dịch trong trạng thái cầm chừng. Chuyên gia Bank of America nhấn mạnh trong nghiên cứu: “Các số liệu mới nhất không có nhiều đột biến, thị trường đang chờ đợi nhiều thông tin lớn hơn như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 và doanh số bán lẻ, biên bản cuộc họp của FOMC hay mùa công bố kết quả kinh doanh quý 3”.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 dự kiến được công bố vào sáng ngày 13/10 tại Mỹ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng so với tháng trước đó, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,3% trong tháng 9. Nhà đầu tư sẽ chờ đón thông tin này để có thể dự báo nhiều hơn về kế hoạch điều chỉnh chính sách tiền tệ của Fed.
Trong tuần này, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ sẽ công bố kết quả kinh doanh quý III ví như JP Morgan Chase, Delta Air Lines. Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp tiêu biểu khác trong ngành tài chính ví như Bank of America, Walgreens Boots Alliance, Wells Fargo, Morgan Stanley, Citigroup và Goldman Sachs.
Diệu Thanh (Theo MarketWatch, CNBC)