[Dautumy.vn] – Thị trường lao động đang trên đà ổn định, GDP tiếp tục tăng trưởng cùng lạm phát bắt đầu hạ nhiệt là những tiến triển tích cực từ nền kinh tế Mỹ.
Lạm phát Mỹ giảm nhiệt trong tháng 10 khi chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi giảm từ mức đỉnh trong vòng 4 thập kỷ qua là thông tin vừa được tờ Tạp chí phố Wall đưa ra trong bài viết hôm 10/11 vừa qua.
Bài viết dẫn số liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 chỉ tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái – mức tăng thấp nhất kể từ tháng 1 năm nay. Chỉ số này đã giảm mạnh so với mức tăng 8,2% của tháng 9 và mức đỉnh 9,1% hồi tháng 6.
Đáng chú ý là trong tháng 10 chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi, không bao gồm giá nhiên liệu và thực phẩm, chỉ tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức tăng 6,6% trong tháng 9 – mức tăng cao nhất kể từ tháng 8 năm 1982.
Theo tờ Thời báo New York, Chỉ số giá tiêu dùng mới được công bố cho thấy lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh và chuyển sang xu hướng quay đầu. Theo bài viết dù giá cả hàng hóa vẫn tiếp tục leo thang ở mức cao và làm tổn thương nhiều hộ gia đình, nhưng cuối cùng đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu giảm nhiệt.
Nhận xét chung
Đây cũng là những bằng chứng ban đầu cho thấy chiến dịch kiềm chế lạm phát của FED có thể kết hợp với việc hàn gắn chuỗi cung ứng để giảm bớt áp lực tăng giá. Điều này có thể dẫn đến triển vọng về cái mà các ngân hàng trung ương thường gọi là “hạ cánh mềm” – tình huống mà trong đó giá cả tăng chậm và không xảy ra suy thoái.
Cùng quan điểm này, tờ Business Insider nhận định những chỉ số mới được công bố cho thấy FED vẫn đang kiểm soát tốt và có thể tránh được nguy cơ suy thoái tiềm ẩn.
Theo bài viết, dù lạm phát vẫn còn ở mức cao nhưng đang có chiều hướng giảm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể nhẹ nhõm hơn khi thấy các biện pháp kiềm chế lạm phát đang phát huy tác dụng. Đến thời điểm hiện tại FED đã mạnh tay tăng lãi suất để làm chậm lại nền kinh tế. Nhưng những dữ liệu mới nhất này có thể cho phép FED sớm giảm mức độ của các đợt tăng lãi suất tiếp theo.
Điều này sẽ giảm bớt áp lực lên tổng thể nền kinh tế và do đó nếu có bất kỳ một cuộc suy thoái tiềm ẩn nào xảy ra cũng chỉ rất nhẹ nhàng, hoặc là có thể tránh được hoàn toàn, mở đường cho một cuộc “hạ cánh mềm”, vừa kiềm chế được lạm phát, vừa không bị rơi vào suy thoái.
Kết luận
Tuy vẫn còn có một số rủi ro tiềm ẩn, giới báo chí Mỹ vẫn cho rằng thị trường lao động sẽ tiếp tục ổn định, GDP sẽ tiếp tục tăng trở lại cùng lạm phát bắt đầu hạ nhiệt là những bước tiến triển tích cực, làm củng cố thêm niềm tin của giới đầu tư cũng như người tiêu dùng Mỹ, khi mà tình hình thực tế đang song hành cùng với nhận định và giải pháp của Cục Dự trữ Liên bang cũng như là Nhà Trắng.
(Nguồn : vtv.vn)
Xem thêm :