Chỉ số tiêu dùng và lạm phát ở Mỹ cùng chậm lại

0
208
Chỉ số tiêu dùng và lạm phát ở Mỹ cùng chậm lại
Chỉ số tiêu dùng và lạm phát ở Mỹ cùng chậm lại

Chỉ số tiêu dùng tại Mỹ tăng nhẹ trong tháng 2/2023 sau mức tăng mạnh vào đầu năm, tương tự với tình trạng lạm phát ở Mỹ cũng có xu hướng.

Bộ Thương mại Mỹ hôm 31/3 cho biết chi tiêu của các hộ gia đình đã tăng 0,2% (sau điều chỉnh) trong tháng 2 so với tháng trước. Kết quả này thấp hơn nhiều so với mức tăng 2% sau điều chỉnh của tháng 1.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng mức tăng chi tiêu trong hai tháng liên tiếp phần nào phản ánh đà đi lên của những tháng đầu năm 2023.

“Số liệu chi tiêu của người tiêu dùng trong tháng 2 nên được xem là khá cao”, bà Pooja Sriram, Phó chủ tịch Ngân hàng đầu tư Barclays nhận xét. “Các hộ gia đình tiếp tục thấy dễ chịu với mức tiền công và tiền lương tăng mạnh nhờ nhu cầu lao động cao, và họ tiếp tục sử dụng các khoản tiết kiệm dư thừa tích lũy được trong thời kỳ đại dịch để chi tiêu thêm”.

Thế nhưng, lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của người Mỹ. Khi được điều chỉnh theo giá tăng, chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ trong tháng 2 đã giảm 0,1% so với tháng trước đó, sau khi tăng 1,5% trong tháng 1.

Số liệu tháng 2 không phản ánh bất kỳ tác động nào của khủng hoảng ngân hàng Mỹ đến chi tiêu của người tiêu dùng.

Trong khi đó, lạm phát tháng 2 có chiều hướng đi xuống, mặc dù vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đề ra.

Thước đo lạm phát ở Mỹ

Cụ thể, tháng 2 chứng kiến chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưu dùng của Fed – tăng 5% so với một năm trước, thấp hơn mức tăng 5,3% trong tháng 1. Đáng lưu ý, chỉ số PCE lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm) tăng 4,6% trong tháng 2, thấp hơn mức tăng 4,7% của tháng 1.

Trước đó, Fed đã tăng lãi suất ngắn hạn thêm 0,25 điểm phần trăm vào ngày 22/3, đánh dấu đợt tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp nhằm kiềm chế lạm phát. Đến nay, lãi suất liên bang đã đạt ngưỡng 4,75 – 5%, mức cao nhất kể từ tháng 9/2007.

Mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao, nhưng Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, đã phát đi tín hiệu vào tuần trước rằng cơ quan này có thể ngừng tăng lãi suất sớm hơn so với dự tính, nếu căng thẳng hệ thống ngân hàng của nước này khiến hoạt động cho vay suy giảm.

Vài tuần trước khi xảy ra khủng hoảng ngân hàng, nền kinh tế Mỹ đã cho thấy sức mạnh đáng ngạc nhiên, bất luận Fed liên tục tăng lãi suất.

Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng 2 các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 311.000 việc làm (được điều chỉnh theo mùa) và tỷ lệ thất nghiệp là 3,6%, gần mức thấp nhất trong lịch sử.

Hoạt động kinh doanh dần cải thiện

Những dấu hiệu ban đầu cho thấy nền kinh tế vẫn đi đúng hướng trong tháng 3. Tờ Wall Street Journal dẫn kết quả khảo sát gần đây cho thấy hoạt động kinh doanh ở Mỹ đã cải thiện cùng với niềm tin của người tiêu dùng vào triển vọng kinh tế. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đang dao động gần mức thấp trong lịch sử.

Theo ông Oren Klachkin, chuyên gia hàng đầu về kinh tế Mỹ tại Oxford Economics, sự hỗn loạn của ngành ngân hàng Mỹ có thể dẫn đến việc siết chặt hoạt động cho vay, ảnh hưởng trực tiếp đến các khoản đầu tư kinh doanh hơn là chi tiêu của người tiêu dùng.

Các nhà phân tích cho rằng, chi tiêu của người tiêu dùng chiếm khoảng 2/3 sản lượng kinh tế của Mỹ, khiến nó trở thành chìa khóa cho tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hơn nữa, một thị trường lao động tăng trưởng mạnh mẽ sẽ giúp nền kinh tế Mỹ trở nên vững vàng.

“Mặc dù chúng ta đang chứng kiến tình trạng sa thải nhân viên trong lĩnh vực công nghệ với tỷ lệ thất nghiệp là 3,6%, nhưng những người muốn có việc làm đều có thể tìm được việc”, ông Leo Feler, nhà kinh tế trưởng tại Công ty phân tích dữ liệu người tiêu dùng Numerator, cho biết. “Điều đó có nghĩa là các hộ gia đình có thu nhập và khả năng chi tiêu”, ông Feler lập luận.

Tình hình chi tiêu của người Mỹ

Thực tế, chi tiêu của người Mỹ dành cho hàng hóa trong tháng 2 đã tăng 3,7% so với tháng 12/2022, nhờ sức tăng chi tiêu cho các đồ nội thất, đồ điện tử và du thuyền. Tương tự, chi tiêu cho các dịch vụ cũng tăng 1,5% do người Mỹ chi tiêu nhiều hơn cho việc đi lại bằng máy bay, các dịch vụ tại rạp chiếu phim, nhà hàng và công viên giải trí.

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cũng chỉ ra rằng tài chính hộ gia đình cũng tăng lên trong tháng 2. Chuyên gia Oren Klachkin của Oxford Economics cho biết, thu nhập của người Mỹ trong tháng 2 đã tăng 0,3% so với tháng trước, nhờ mức tăng lương trong lĩnh vực dịch vụ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân (mức tiết kiệm cá nhân tính theo phần trăm thu nhập cá nhân khả dụng) đã đạt 4,6% trong tháng 2, mức cao nhất trong hơn một năm qua.

(Nguồn : baodautu.vn)

Xem thêm :

Bình luận đã bị đóng.