Bộ Tài chính đưa ra cảnh báo rằng nước Mỹ có thể cạn tiền và không còn khả năng chi trả cho các nghĩa vụ nợ sớm nhất vào ngày 1/6 tới.
Hồi tháng 1, nền kinh tế Mỹ đã chạm ngưỡng giới hạn vay nợ 31.400 tỷ USD, buộc Bộ Tài chính nước này phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của chính phủ. Tuy nhiên, những mâu thuẫn giữa hai đảng là Cộng hòa và Dân chủ đang khiến quá trình nâng trần nợ công trở nên bế tắc, đẩy Chính phủ Mỹ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế.
Theo Reuters, các nỗ lực nâng trần nợ công tại Mỹ cho đến nay vẫn chưa đạt được tiến triển, khi phe Cộng hòa chỉ đồng ý nâng trần nợ, nếu đi kèm các biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu.
Ở chiều ngược lại, chính quyền đảng Dân chủ của Tổng thống Biden muốn Quốc hội, trong đó bao gồm Hạ viện đang thuộc quyền kiểm soát của phe Cộng hòa, cần phải nâng trần nợ vô điều kiện. Ông Biden nhấn mạnh để xảy ra vỡ nợ sẽ là một hành động vô trách nhiệm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói: “Điều cuối cùng mà đất nước này cần sau tất cả những gì chúng ta đã trải qua là một cuộc khủng hoảng giả tạo và đây chính là một cuộc khủng hoảng giả tạo”.
Thảo luận về việc tăng trần nợ
Dự kiến trong ngày 9/5, Tổng thống Biden sẽ gặp các nhà lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa để thảo luận về phương án tăng trần nợ. Mặc dù cả hai bên đều khá cứng rắn trong đàm phán thời gian qua, sự cấp bách của tình hình hiện nay được kỳ vọng có thể dẫn tới những động thái thỏa hiệp nhất định.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo rằng nước này có thể cạn tiền và không thể thanh toán các nghĩa vụ nợ sớm nhất vào ngày 1/6 tới.
“Quốc hội cần phải giải quyết vấn đề này. Nếu họ không làm điều đó, chúng ta sẽ gặp phải một thảm họa kinh tế và tài chính do chính chúng ta gây ra. Tổng thống và Bộ Tài chính Mỹ không thể thực hiện hành động nào để ngăn chặn thảm họa đó”, bà Janet Yellen – Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết.
Các chuyên gia lo ngại, những rắc rối liên quan đến vấn đề nợ công có thể làm gia tăng rủi ro lên nền kinh tế Mỹ, đồng thời gây ra tác động tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu.
Ông Mark Zandi – Chuyên gia kinh tế trưởng, công ty Moody’s Analytics nhận định: “Chúng ta cần chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị này càng sớm càng tốt. Nếu không, nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái”.
Cảnh báo từ Bộ Tài Chính Mỹ
Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng cảnh báo rằng nếu Chính phủ Mỹ ngừng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính, những cú sốc kinh tế có thể khiến hơn 8 triệu người mất việc làm vào mùa Hè và GDP giảm khoảng 6 điểm %.
Trong 1 diễn biến khả quan hơn, khi nước Mỹ không bị vỡ nợ, nhưng vẫn phải mắc kẹt với tình trạng bế tắc chính trị kéo dài, khoảng 200.000 người sẽ bị mất việc làm và GDP của Mỹ sẽ bị giảm đi 0,3 điểm phần trăm.
(Nguồn : vtv.vn)
Xem thêm :