Cha đẻ của câu nói “Content is King” trùm truyền thông Sumner Redstone qua đời ở tuổi 97

0
549
Tỷ phú truyền thông Mỹ Sumner Redstone
Tỷ phú truyền thông Mỹ Sumner Redstone

Cuộc đời thăng trầm của trùm truyền thông Sumner Redstone

Tỷ phú Sumner Redstone, người định hình lĩnh vực truyền thông Mỹ và là cha đẻ của câu nói Content is King, vừa qua đời tuần này ở tuổi 97.

Sumner Redstone có khởi đầu khiêm tốn, nhưng đã gây dựng được một đế chế truyền thông khổng lồ. Ông là Chủ tịch kiêm CEO National Amusements. Ông cũng từng giữ chức chủ tịch của cả Viacom và CBS. Ở thời kỳ đỉnh cao, hai tập đoàn sở hữu các thương hiệu đình đám trong làng giải trí, từ Paramount Pictures, MTV đến Comedy Central và Spike TV. Redstone, cùng các ông trùm như John Malone và Rupert Murdoch, đã định hình lĩnh vực truyền thông tại Mỹ nhờ hàng loạt thương vụ sáp nhập.

Tỷ phú cũng nổi tiếng với câu nói: Content is King. Ông tin rằng công nghệ phân phối nội dung có thể thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, nhu cầu về nội dung sẽ không bao giờ biến mất.

Sumner Redstone tên thật là Sumner Murray Rothstein, lớn lên trong một khu nhập cư nghèo ở Boston (Mỹ). Căn hộ của gia đình ông còn không có nhà vệ sinh. Cha của Redstone bỏ học phổ thông, sau đó làm nhiều nghề, từ lái xe cho hiệu bánh gia đình, buôn rượu, kinh doanh hộp đêm đến mở rạp phim ngoài trời. Ông sau đó còn đổi họ của gia đình sang Redstone.

Tỷ phú truyền thông Mỹ Sumner Redstone. Ảnh: Reuters

Tỷ phú truyền thông Mỹ Sumner Redstone. Ảnh: Reuters

Từ khi còn đi học, Sumner Redstone đã nổi tiếng là sinh viên tài năng. Khi học Đại học Harvard, Redstone còn tham gia vào một nhóm tình báo đặc biệt trong Đại chiến Thế giới II. Sau khi tốt nghiệp Trường luật Harvard, ông làm trợ lý đặc biệt cho Bộ trưởng Tư pháp.

Khi đó, cơ quan này đang xử lý vụ kiện giữa chính phủ Mỹ và hãng phim Paramount. Đây là vụ kiện chống độc quyền đã phá vỡ hệ thống xưởng phim truyền thống của Hollywood.

Năm 1954, ông quay về điều hành công ty chiếu phim của gia đình, sau này được đổi tên thành National Amusements. Trong suốt thời gian nắm quyền, ông tích cực đầu tư ra khắp Bờ Đông và Trung Tây. Với kinh nghiệm từ khi còn làm tư pháp, ông đã thắng kiện các hãng phim lớn, buộc họ phân phối cho chuỗi rạp của mình những bộ phim hàng đầu cùng lúc với các chuỗi rạp lớn khác

Năm 1987, sau khi đầu tư vào các hãng phim ở Hollywood, Redstone thực hiện thương vụ kinh doanh lớn nhất của mình khi đó – mua Viacom. Viacom sở hữu hạ tầng cáp, đài phát thanh – truyền hình cũng như các kênh MTV và Showtime. Lãnh đạo Viacom khi đó đang cố tư nhân hóa công ty này. Tuy nhiên, Redstone ra giá cao hơn và cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận mua lại với 3,4 tỷ USD.

Bên cạnh đó, một trong những ước mơ cả đời của Redstone là sở hữu Paramount. Ông đã đẩy mạnh việc theo đuổi hãng phim này vào đầu những năm 1990. Đây là một trong những cuộc đấu tranh quyết định sự nghiệp của ông. Sau nhiều năm đàm phán, Redstone cuối cùng cũng mua được Paramount với 8,2 tỷ USD. Dù vậy, ông đã phải liều lĩnh sáp nhập với Blockbuster Entertainment trước đó để có thêm nguồn tiền cho thương vụ Paramount.

Vào thời điểm đó, các nhà phê bình ở Phố Wall cho rằng Redstone đã phí tiền cho một hãng phim có nhiều phim thất bại. Tuy nhiên, ông vẫn tự tin. Ông nói: “Hôm nay mới chỉ là sự khởi đầu cho việc hình thành một doanh nghiệp khổng lồ”. Sau đó, Paramount đã cho ra đời những bộ phim bom tấn như “Titanic” và “Nhiệm vụ bất khả thi”.

Năm 1999, Viacom mua CBS với giá 37 tỷ USD. Đây là thương vụ sáp nhập truyền thông lớn nhất Mỹ thời đó. Redstone coi hoạt động phát thanh truyền hình của CBS là sự bổ sung cần thiết cho truyền hình cáp của Viacom. Tuy nhiên, sau vài năm, ông nhận thấy phát sóng truyền hình trở nên lạc hậu so với truyền hình cáp.

Năm 2006, bất mãn với việc giá cổ phiếu của Viacom trì trệ, Redstone quyết định chia tách CBS và Viacom. Nhiều nhà phân tích từ lâu đã nghĩ rằng quyết định chia tách là một sai lầm và nên ghép các kênh truyền hình cáp của Viacom với CBS để kiếm thêm tiền từ các nhà phân phối truyền hình trả tiền.

Hai cha con Sumner và Shari Redstone năm 2012. Ảnh: AP

Hai cha con Sumner và Shari Redstone năm 2012. Ảnh: AP

Năm 2016, Redstone từ chức chủ tịch của cả Viacom và CBS. Đến năm 2019, dưới sự giám sát của con gái Redstone là Shari, hai công ty này hợp nhất trở lại để tạo ra ViacomCBS. National Amusements là công ty mẹ của ViacomCBS.

Đời tư của Redstone cũng có nhiều sóng gió. Cuộc hôn nhân của ông với người vợ đầu tiên Phyllis Raphael kết thúc vào năm 1999 sau hơn 50 năm. Họ có hai người con là Brent và Shari Redstone. Bốn năm sau, ông kết hôn với cựu giáo viên Paula Fortunato, kém ông 39 tuổi. Không lâu sau, hôn nhân lại đổ vỡ.

Năm 2006, Brent đệ đơn kiện National Amusements để giành lại cổ phần trong công ty. Đơn kiện cáo buộc Sumner Redstone chỉ đạo chiến dịch ngăn con trai tham gia vào việc kinh doanh của công ty. National Amusements cho rằng cáo buộc này vô căn cứ. Một năm sau, vụ việc được dàn xếp. Brent rút đơn kiện. Còn National Amusements được cho là đã mua lại cổ phần của Brent.

Con gái Shari luôn được cho là người sẽ kế vị cha lãnh đạo đế chế truyền thông. Tuy nhiên, hai cha con cũng trải qua những khoảng thời gian xích mích căng thẳng, phải nói chuyện với nhau qua fax. Năm 2014, ông từng đề nghị mua 20% cổ phần của con gái trong National Amusements với giá 1 tỷ USD, để Shari từ bỏ việc giành lấy vị trí chủ tịch Viacom và CBS sau khi ông qua đời. Tuy nhiên, Shari đã từ chối.

Mối quan hệ của cả hai sau đó dần cải thiện. Shari hiện là Chủ tịch ViacomCBS và giám đốc cấp cao của National Amusements.

“Trong cuộc đời, Sumner đã chiến đấu với cha, anh trai, cháu trai và con trai của mình. Ông ấy đấu tranh với bất cứ ai mà ông ấy cảm thấy đang cố gắng lấn át ánh hào quang hoặc lấy đi thứ gì đó khỏi mình. Sumner sẽ không để bất kỳ ai – kể cả con cái – vượt qua ông ấy”, Meg James – nhà báo đã viết về gia đình Redstone suốt nhiều thập kỷ cho biết.

Dù vậy, Sumner cũng rất tích cực làm từ thiện. Ông đã quyên góp hơn 150 triệu USD cho các tổ chức từ thiện, bệnh viện và trường đại học.

Sumner từng nhiều lần đối mặt với tử thần. Ông từng bị bỏng trong một hỏa hoạn và sau đó là bị ung thư. Tỷ phú vì thế rất thích nói rằng mình sẽ bất tử. Năm 2012, ông nói với báo chí rằng đang viết dở cuốn sách “Làm thế nào để sống mãi”. Trong đó, tỷ phú khẳng định: “Điều quan trọng là để có một cuộc sống tốt, bạn phải yêu công việc của mình”.

dautumy.vn (theo WSJ, CNN)

 

 

Bình luận đã bị đóng.