Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang trong “cơ hội vàng” giao thương với Mỹ, nhưng vụ việc gạo ST25 để lại bài học về cách tiếp cận.
Quý I/2021, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 21,2 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có kim ngạch tỷ USD có thể kể đến như gỗ nội thất, dệt may, giày dép, máy vi tính, linh kiện điện tử… Trước đó, Việt Nam xếp thứ sáu thế giới và thứ ba châu Á sau Trung Quốc, Nhật Bản, về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ năm 2020.
Đánh giá tại hội thảo “Thúc đẩy Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng thời cơ hợp tác vàng sau Covid-19” hôm 28/4 tại TP HCM, ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho rằng, Mỹ là thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt.
Đặc biệt là hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát tốt Covid-19. Nắm bắt được “thời cơ vàng” này để đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả thị trường Mỹ là cơ hội bứt phá, theo ông Tín.
Bình luận về nhu cầu nhập khẩu hàng Việt Nam, ông Ken D. Dương, Giám đốc điều hành Công ty Luật quốc tế TDL cho rằng những mặt hàng truyền thống như nông sản, thủy sản xuất sang khá mạnh và không nhiều ảnh hưởng vì dịch.
“Một số sản phẩm gỗ cứng đặc biệt thì Mỹ đã ngưng mua từ Trung Quốc và tìm thị trường cung cấp khác. Covid-19 vừa rồi, doanh nghiệp Việt đã có được nhiều nhà thu mua nhu cầu lớn nên xuất khẩu được tốt”, ông Ken cho biết, “Một xu hướng khác là nhiều Việt kiều đang quay về Việt Nam tìm đối tác để thu mua sản phẩm nhằm xuất sang Mỹ”.
Một hướng triển vọng nữa là đồ công nghệ. Đã có những công ty Mỹ, Đài Loan thành lập nhà máy tại Việt Nam để R&D các sản phẩm phục vụ cho Internet Vạn vật (IoT). “Có những tín hiệu cho thấy Việt Nam sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, phục vụ cho IoT”, ông Ken dự báo.
Hay một kênh khác để hàng Việt không những đi Mỹ mà có thể xuất đi toàn cầu là thương mại điện tử. Hôm 28/4 tại Hà Nội, Amazon Global Selling cũng đã công bố mở rộng hợp tác với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA) – Bộ Công Thương, khởi xướng chương trình tăng cường hỗ trợ cung cấp kiến thức về thương mại điện tử xuyên biên giới cho nhà bán hàng.
“Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế mới nổi năng động nhất thế giới, và đã cho thấy vị thế vững vàng ngay giữa đại dịch”, ông Gijae Seong, Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam, đánh giá.
Về dài hạn, việc khả năng chính quyền Biden cân nhắc đưa Mỹ quay lại CPTPP cũng đang trở nên có hy vọng, dù không phải tương lai gần.
Ông Alexander Tatsis, Tham tán Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM cho biết, Tổng thống Biden đang tập trung chính sách vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế nội địa, tạo nhiều việc làm và cân nhắc các hoạt động giao thương với nước ngoài. “Trong tương lai gần, chính quyền Biden sẽ không ký thêm hiệp định tự do thương mại nào, nên sẽ không có TPP”, ông nói.
Đồng quan điểm, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp Hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) dẫn dự báo một giáo sư của Đại học Fulbright rằng có thể phải đến giữa nhiệm kỳ, tức tầm 2 năm nữa, ông Biden mới cân nhắc việc ký một hiệp định thương mại tự do.
“Nhưng từ đây đến đó, nếu Việt Nam thể hiện được tinh thần hỗ trợ tốt cho các bạn hàng, có vai trò nào đó trong chuyển đổi số, chuỗi cung ứng toàn cầu thì chắc chắn Mỹ có thể cân nhắc”, bà Mary nói.
Cơ hội rộng mở nhưng thách thức cho hàng Việt cũng còn ngổn ngang, nhất là sau vụ gạo ST25 bị doanh nghiệp Mỹ đăng ký nhãn hiệu. Công ty Luật quốc tế TDL của ông Ken D. Dương, cũng chính là đơn vị đang hỗ trợ gạo ST25 thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường Mỹ.
Ông Ken cho biết thường tốn khoảng 1.000-1.800 USD để đăng ký một nhãn hiệu tại Mỹ. Trong khi gần như 100% doanh nghiệp lớn của Việt Nam đăng ký nhãn hiệu ngay khi đưa hàng sang đây, tỷ lệ này ở các công ty quy mô vừa chỉ khoảng 50% và quy mô nhỏ là 10%, theo ước lượng của ông Ken.
“Khi xuất khẩu sang Mỹ, nếu là FOB thì không có vấn đề gì, còn nếu muốn bước lên bậc cao của chuỗi cung ứng, như lập công ty phân phối tại Mỹ thì phải am hiểu luật pháp và bảo hộ sở hữu trí tuệ”, ông Ken khuyến nghị, “Ngoài ra, phải quan tâm hơn đến hợp đồng. Thường doanh nghiệp phụ thuộc hợp đồng nhà nhập khẩu soạn sẵn rồi ký, trong khi nên phát triển năng lực tự thảo được hợp đồng”.
Bà Nguyễn Bá Thiên Thư, Trưởng đại diện Công ty Registrar Corp thì lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm cần quan tâm hơn đến những quy định của FDA. Để xuất khẩu thực phẩm sang đây, các doanh nghiệp thuộc đối tượng bắt buộc cần phải đăng ký số FDA, đồng thời tuân thủ những quy định ghi nhãn mới và Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA) của FDA.
Riêng với kênh thương mại điện tử, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số (IDEA) cho rằng, nhận ra lợi ích của việc mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế, nhưng nhiều người bán hàng Việt còn chần chừ vì chưa thực sự làm quen với khái niệm và thủ tục liên quan đến xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như thiếu kiến thức lẫn kỹ năng.
IDEA cho biết sẽ cùng Amazon Global Selling tổ chức chuỗi hội thảo và các chương trình đào tạo giúp trang bị cho hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ những kiến thức cần thiết cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh trên Amazon. Khởi động tại Hà Nội và TP HCM, mỗi chuỗi sự kiện sẽ bao gồm một hội thảo quy mô lớn, các lớp đào tạo ở cấp độ vân hành và hai lớp đào tạo nâng cao theo nhu cầu về đăng ký nhãn hiệu cũng như xây dựng thương hiệu.
Dautumy.vn theo Viễn Thông Vnexpress