Mô hình chữ K – Lựa chọn mới dự báo kinh tế sau đại dịch

0
450
Mô hình chữ K - Lựa chọn mới dự báo kinh tế sau đại dịch
Mô hình chữ K - Lựa chọn mới dự báo kinh tế sau đại dịch

Với sự bất định của Covid-19, các nền kinh tế sẽ khó phục hồi và mô hình chữ K – chỉ một vài ngành đi lên, còn lại vẫn suy thoái được tính tới.

Để mô tả về độ dài của suy thoái và khả năng phục hồi của nền kinh tế khi cuộc khủng hoảng Covid-19 diễn ra, các nhà kinh tế đã dự đoán các mô hình phục hồi dựa trên những chữ cái: V (phục hồi nhanh tương đương với đà sụt giảm), L (khả năng đi ngang ở đáy), U (phục hồi nhưng chậm) hay W (hồi phục rồi lại đi xuống theo sự bùng phát của dịch bệnh).

Trong đó, phục hồi dạng chữ L và I được xem là “thảm khốc” hơn cả, bởi nền kinh tế sau khi sụt giảm sẽ giữ ở trạng thái thấp trong thời gian dài, áp lực của tỷ lệ thất nghiệp cao, thu nhập giảm, ảnh hưởng lên nhiều khía cạnh, bao gồm cả rủi ro vỡ nợ.

Mô hình Nike swoosh từng có giai đoạn được cho rằng là lựa chọn tốt nhất, với lý giải nền kinh tế sau khi giảm nhanh do khủng hoảng của đại dịch sẽ phục hồi với tốc độ chậm hơn, đồ thị kinh tế sẽ giống biểu tượng của hãng đồ thể thao Nike. Nhưng gần đây, các chuyên gia đang nghiêng về một lựa chọn khác – mô hình chữ K.

Một người đeo khẩu trang trên phố Wall trong mùa dịch. Ảnh: NYT.

Một người đeo khẩu trang trên phố Wall trong mùa dịch. Ảnh: NYT.

Mô hình này sẽ khó tưởng tượng nếu chỉ nhìn vào đồ thị tăng trưởng GDP, nhưng sẽ dễ lý giải hơn khi đánh giá tổng thể nền kinh tế theo từng phần. “Mô hình này nằm ở đâu đó giữa hai mô hình chữ V và L, tùy thuộc vào bạn là ai”, tờ Business Insider mô tả.

Theo Barry Ritholtz, cây viết bình luận trên Bloomberg, mô hình chữ K thể hiện sự phân hóa trong nền kinh tế với những nhóm ngành được hưởng lợi sẽ tiếp tục tăng trưởng trong đại dịch, trong khi phần còn lại sẽ giảm mạnh.

Với kinh tế Mỹ, chiều hướng lên có thể đúng với những ngành như công nghệ (Apple, Alphabet, Microsoft), các nhà bán lẻ (Target, Walmart), giải trí (Netflix, Walt Disney, YouTube), công nghệ sinh học và dược phẩm (Moderna, Johnson&Johnson, Merck, Pfizer), các ứng dụng kết nối (Slack Technologies, Zoom Video Communications) và các nhà bán lẻ trực tuyến (Amazon, Shopify). Còn chiều hướng xuống tượng trưng cho phần còn lại của nền kinh tế.

Chính mô hình chữ K cũng được thể hiện qua sự biến động chỉ số đo lường các nhóm ngành trong S&P 500. Công nghệ, truyền thông – thông tin và nhóm tiêu dùng đã tăng 31,6%, 18,4% và 16,9% từ đầu năm. Trong khi đó, ba lĩnh vực hoạt động kém nhất là năng lượng, tài chính và tiện ích, giảm 40,3%, 18,7% và 8,2%.

“Tác động kinh tế không đồng đều của đại dịch đối với các ngành công nghiệp và người lao động đang thể hiện ngày càng rõ ràng “, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Suzanne Clark viết trong một bài đăng trên mạng xã hội cuối tuần trước, bài viết với tiêu đề “Bước vào mô hình phục hồi hình chữ K”.

Phân hóa giàu nghèo

Không chỉ có sự phân hóa trong môi trường kinh tế vĩ mô, chữ K còn giữ nhiều tầng ý nghĩa khác, đặc biệt nhấn mạnh đến sự phân hóa giàu nghèo và giữa các quốc gia.

Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã nhắc đến vấn đề này trong một bài phát biểu vào thứ Sáu tuần trước, đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump vì đã tạo ra một “hình chữ K” bất thường của kinh tế Mỹ.

“Kết quả là, các nhà kinh tế bắt đầu gọi cuộc suy thoái này là cuộc suy thoái hình chữ K, đây là một cụm từ hoa mỹ để chỉ mọi thứ sai lầm của Trump”, Biden nói.

Chữ K, theo ứng viên đảng Dân Chủ, có nghĩa là những người ở nhánh trên sẽ nhìn thấy mọi thứ đi lên và những người ở giữa hoặc bên dưới đang chứng kiến mọi thứ đi xuống và trở nên tồi tệ hơn. Hay nói cách khác, mô hình này cho phép những người ở cấp cao nhất có thể thịnh vượng trong khi khiến tầng lớp lao động Mỹ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Sự chỉ trích của Biden, thực tế hướng tới chính sách điều hành khuyến khích mở cửa quá sớm của Trump, khiến nước Mỹ rơi vào làn sóng thứ hai của Covid-19.

Vào tháng 3, sau sự lây lan nhanh chóng của đại dịch khiến các doanh nghiệp và trường học phải đóng cửa, Mỹ đã mất 701.000 việc làm phi nông nghiệp và gần 10 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

Trong khi tình trạng mất việc làm là kỷ lục đối với các ngành du lịch và khách sạn, một số nhà kinh tế đã cho rằng Mỹ sẽ phục hồi nhanh khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Kết quả này hướng tới mô hình chữ V, nơi tỷ lệ thất nghiệp và chi tiêu giảm mạnh nhưng lại tăng trở lại trong một khoảng thời gian ngắn.

Nhưng Mỹ vẫn chưa kiểm soát được Covid-19 để giúp việc mở cửa trở lại an toàn. Sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm liên quan đến việc mở cửa nền kinh tế đã làm đảo lộn những dự báo.

“Không có gì ngạc nhiên khi sai lầm bắt nguồn từ thực tế là Trump đã quản lý sai cuộc khủng hoảng Covid-19, và đó là lý do nó lại là một đại dịch hình chữ K”, Biden nói.

Quá trình phục hồi bị gián đoạn đồng nghĩa với việc ngành bị ảnh hưởng mạnh như nhà hàng và du lịch tiếp tục đi xuống. Ngày càng có nhiều cửa hàng, công ty quy mô nhỏ bị phá sản. Trong một lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động, thực tế này khiến tăng trưởng việc làm chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức 8,4%. Không còn một mô hình chữ V nào với ngành này.

“Sự phục hồi hình chữ K thực sự phản ánh về sự bất bình đẳng ngày càng tăng kể từ đầu những năm 1980 trên khắp đất nước và nền kinh tế”, Joseph Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM nói với CNBC. “Khi chúng ta nói về chữ K, nhánh đi lên rõ ràng là thị trường tài chính, con đường phía dưới là nền kinh tế thực, và cả hai tách biệt nhau”.

Một trong những cách đơn giản nhất để hình dung mô hình K hiện tại của Mỹ là xem xét sự tăng vọt của thị trường chứng khoán kể từ cuối tháng 3, so với phần còn lại của nền kinh tế. Trong khi Phố Wall trở lại ngưỡng kỷ lục, GDP của Mỹ giảm mạnh nhất từ trước đến nay, tỷ lệ thất nghiệp tuy dù đã giảm nhưng vẫn là một vấn đề, đặc biệt là các nhóm thu nhập thấp với hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ đã bị phá sản trong đại dịch.

“Việc sử dụng các thiết bị, dịch vụ đám mây và internet, nói chung là công nghệ chắc chắn sẽ tăng vọt trong khi phần còn lại của nền kinh tế, như hàng không, năng lượng, trung tâm mua sắm, văn phòng, khách sạn lại đi xuống”, Marko Kolanovic, người đứng đầu về nghiên cứu vĩ mô và phái sinh tại JPMorgan Chase nhận xét. “Điều này đã tạo ra sự bất bình đẳng to lớn không chỉ trong kết quả hoạt động của các bộ phận kinh tế, mà còn trong xã hội”.

Phân hóa giữa các nền kinh tế

Mô hình chữ K không chỉ đánh giá nội tại của một nền kinh tế mà còn được dùng để thể hiện sự phân hóa giữa các quốc gia, đặc biệt trong nhóm các nền kinh tế mới nổi.

Theo Bloomberg, thị trường cổ phiếu và tiền tệ của các quốc gia đang phát triển giàu có hơn đã vượt trội hơn so với các nước nghèo hơn họ kể từ khi dịch coronavirus bùng phát. Khoảng cách này thậm chí có thể mở rộng hơn nếu đại dịch dẫn đến suy thoái sâu sắc ở những nền kinh tế yếu.

“Với các nền kinh tế mới nổi, đại dịch khiến nợ nần tăng nhanh và suy thoái sâu, chi phí trả nợ sẽ ngày càng nặng nề hơn và chúng tôi không loại trừ khả năng một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc tái cơ cấu nợ lớn”, Rob Subbaraman, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của Nomura Holdings nhận xét và nói thêm, miễn là đại dịch còn đang tác động, mô hình chữ “K” sẽ tạo khoảng cách ngày càng rộng giữa các nền kinh tế.

Khi đại dịch phức tạp, Hàn Quốc đã ba lần đưa ra các gói cứu trợ với quy mô 270.000 tỷ won (228 tỷ USD), tương đương khoảng 14% GDP. Ngược lại, Chính phủ Philippines cho biết họ không thể tài trợ cho gói kích thích trị giá 1.300 tỷ peso (27 tỷ USD) đã được phê duyệt vào tháng Sáu. Thị trường chứng khoán của quốc gia này là thị trường hoạt động kém nhất trong khu vực khi giảm hơn 25%.

Sắp tới, khi đại dịch dần được khống chế, dư địa chính sách rộng hơn, dịch vụ y tế mạnh mẽ hơn có thể giúp các quốc gia giàu có duy trì vị trí dẫn đầu trong quá trình phục hồi kinh tế.

Các nền kinh tế mới nổi giàu có có khả năng được tiếp cận với vaccine sớm hơn, theo bước của các quốc gia phát triển. Thậm chí có nguy cơ các nền kinh tế lớn hơn sẽ độc quyền cung cấp, một kịch bản đã xảy ra trong đại dịch cúm lợn năm 2009. “Không có nhiều thị trường mới nổi có khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến và họ sẽ tiếp tục gặp khó khăn”, Tsutomu Soma, chuyên gia đầu tư tại Monex nhận xét. “Chúng ta sẽ tiếp tục nhận thấy sự phân hóa ở các thị trường phát triển và mới nổi trong tương lai”.

Bình luận đã bị đóng.