Nhà máy Mỹ ‘đỏ mắt’ tìm công nhân

0
341
Nhà máy Mỹ 'đỏ mắt' tìm công nhân
Nhà máy Mỹ 'đỏ mắt' tìm công nhân

Khi nhu cầu tăng vọt vì nền kinh tế dần mở cửa, Mỹ lại đối mặt rắc rối lớn: Các nhà máy không thể tìm đủ người để làm việc.

Dù hoạt động sản xuất tại Mỹ đã tăng vọt lên cao nhất 37 năm trong tháng 3, ngành này vẫn đang tuyển hơn nửa triệu việc làm. Các nhà máy gặp khó trong việc tìm lao động lành nghề cho các vị trí chuyên môn cao như thợ hàn hay thợ máy. Họ thậm chí gặp rắc rối khi tuyển các vị trí khởi điểm, không cần chuyên môn.

Thiếu hụt nhân tài không phải là vấn đề mới, nhưng đang ngày càng trầm trọng và có thể để lại hậu quả khó lường, không chỉ cho ngành sản xuất. Theo một nghiên cứu công bố hôm qua của Deloitte và The Manufacturing Institute, khoảng 2,1 triệu việc làm ngành sản xuất sẽ thiếu hụt từ nay đến 2030. Báo cáo cảnh báo việc này sẽ tác động đến doanh thu, sản xuất và khiến kinh tế Mỹ thiệt hại 1.000 tỷ USD cho đến năm 2030.

Dây chuyền lắp ráp bên trong một nhà máy ở Ohio (Mỹ). Ảnh: Reuters

“Đây là vấn đề đặc biệt đáng lo ngại. Khi nhu cầu tuyển dụng khắp cả nước lên cao, số việc làm sản xuất ở cấp độ khởi điểm bị bỏ trống lại tăng”, Paul Wellener – Phó chủ tịch kiêm lãnh đạo mảng xây dựng – sản phẩm công nghiệp Mỹ tại Deloitte nhận xét.

Các lãnh đạo ngành sản xuất tại Mỹ cho biết một phần vấn đề là nhiều người Mỹ trẻ tuổi không muốn làm việc trong các nhà máy, do sợ robot sẽ cướp việc và việc làm sẽ dịch chuyển ra nước ngoài.

“Đây là vấn đề về nhận thức. Mọi người không biết ở đây có việc làm, hoặc đây là công việc họ mong muốn”, Carolyn Lee – Giám đốc The Manufacturing Institute giải thích, “Mọi người nghĩ rằng đây là ngành công nghiệp ì ạch, chậm tiến, cần ít kiến thức. Nhưng không phải như vậy”.

Báo cáo của Deloitte cũng cho biết dù toàn cầu đang sử dụng tới 2,7 triệu robot công nghiệp, con người vẫn là yếu tố cần thiết để sản xuất lượng hàng hóa khổng lồ. “Robot không lấy hết công việc”, Lee nói, “Robot có thể nhặt gói hàng và di chuyển hàng, nhưng con người có tính sáng tạo và đoán trước điều gì sẽ xảy ra”.

Dù hàng triệu người Mỹ vẫn đang thất nghiệp vì đại dịch, báo cáo cho biết nhiều hãng sản xuất không thể tìm đủ nhân lực ở cấp độ khởi điểm, bất chấp không đòi hỏi kiến thức kỹ thuật và còn nhận lương giờ cao hơn mức tối thiểu liên bang. Những vị trí này chỉ cần người làm theo chỉ dẫn, sẵn sàng học hỏi. Trên lý thuyết, các công việc này có thể được đảm nhận bởi những người bị sa thải trong ngành du lịch – khách sạn, nhà hàng hoặc thậm chí là học sinh tốt nghiệp cấp 3.

Một phần vấn đề là các nhà máy đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ các nhà kho và trung tâm phân phối của các hãng thương mại điện tử như Amazon hay Chewy. Wellner cảnh báo công việc tại các nhà kho này sẽ không có nhiều cơ hội trong dài hạn.

Báo cáo cũng chỉ ra một phần tư phụ nữ cân nhắc rời ngành sản xuất. Việc này có thể làm trầm trọng hơn vấn đề bình đẳng giới trong ngành này, dù phụ nữ chỉ chiếm gần nửa lực lượng lao động Mỹ và chưa đầy một phần ba lao động ngành sản xuất.

Báo cáo đưa ra một số gợi ý để giúp các nhà máy thu hút người làm. Trong đó có tuyển dụng từ trường phổ thông, cân nhắc giờ giấc linh hoạt để cân bằng cuộc sống – công việc và đánh giá hiệu quả làm việc qua nhiều yếu tố.

Để gây dựng lại nguồn nhân lực, Lee cho rằng các hãng sản xuất cần chủ động tiếp cận và mở rộng đối tượng. “Sản xuất thường là công việc cho những người lớn tuổi hơn, da trắng và là đàn ông. Chúng ta sẽ không thể cạnh tranh nếu không đa dạng hóa lực lượng lao động”, Lee nói.

DauTuMy.vn

Bình luận đã bị đóng.