Trump không ngờ có ngày giá dầu xuống âm, các doanh nghiệp sắp “chết” khi ca ngợi ngành dầu mỏ Mỹ “đã ở kỷ nguyên vàng thống trị thế giới” vài tháng trước.
Mỹ đang sản xuất nhiều dầu hơn bất cứ quốc gia nào. Nhưng khủng hoảng đạt đỉnh điểm vào hôm 20/4 khi giá dầu WTI giao tháng 5 xuống âm. Tuy nhiên, trước ngày giảm kỉ lục này, giá dầu WTI đã giảm 70% từ tháng 1 – phản ứng với nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm mạnh do sự lan rộng của dịch bệnh bắt đầu gây khó khăn cho các doanh nghiệp dầu mỏ Mỹ.
ExxonMobil, Chevron, ConocoPhillips, Occidental Petroleum và nhiều doanh nghiệp khác đã phải cắt giảm toàn bộ chi tiêu. Các nhà sản xuất đá phiến độc lập như Continental Resources và Parsley Energy đã ngừng dây chuyền và bắt đầu đóng giếng. Đầu năm nay, sản lượng dầu của Mỹ khoảng 13 triệu thùng một ngày nhưng có thể giảm 2-3 triệu thùng một ngày vào cuối năm nay theo Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette.
Giới phân tích nhận định tình trạng phá sản và mất việc hàng loạt khi các nhà sản xuất phải đối mặt với mức giá 20 USD một thùng dầu, chứ chưa cần tới mức âm, là khó tránh khỏi. “Với mức giá này, toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ đang kinh doanh dưới giá vốn”, David Winans, nhà phân tích tín dụng tại PGIM Fixed Income nói.
Hôm qua, Tổng thống Mỹ cam kết “sẽ không bao giờ để ngành xăng và dầu của Mỹ đi xuống” và nói chính quyền của ông đang thiết lập một kế hoạch cấp tiền cho những doanh nghiệp quan trọng này đảm bảo việc làm trong dài hạn.
Hiện tại, những gì Trump phải làm là thực hiện lời hứa bằng mọi quyền lực của chính quyền liên bang để “ngày tận thế” với hàng trăm doanh nghiệp dầu Mỹ không tới. Bốn biện pháp chính đã được thảo luận.
‘Gõ cửa’ nguồn cung, cầu lớn nhất
Hôm 12/4, Trump đã tác động để OPEC+ đạt thoả thuận với Nga, Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác cắt giảm khoảng 9,7 triệu thùng dầu mỗi ngày. Tuy nhiên, Jamie Webster tại Boston Consulting Group nhận xét thoả thuận cắt giảm lớn nhất trong lịch sử này không nhằm nhò gì với mức sụt giảm 30% nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn thế giới, khoảng 30 triệu thùng mỗi ngày.
Vây nên, bước đầu tiên với Trump sẽ là yêu cầu Saudi Arabia tiếp tục cắt giảm. Vấn đề là việc tăng cắt giảm nguồn cung của OPEC – kể cả nếu có được thống nhất và giám sát – thì cũng không thể giải quyết vấn đề nhu cầu.
Hội đồng Thăm dò và Sản xuất Mỹ đề xuất một phương án khác là Nhà Trắng thúc đẩy Trung Quốc mua nhiều dầu của Mỹ hơn. Tại thời kỳ cao điểm năm 2017, Mỹ xuất khẩu 470.000 thùng một ngày tới Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với mức sụt giảm 1,3 triệu thùng một ngày nhu cầu của Mỹ mà chính phủ dự đoán năm nay. Tuy nhiên, trong một thế giới dư thừa “vàng đen”, Trung Quốc có nhiều lựa chọn giá rẻ khác.
Giới phân tích nói chính quyền Trump có thể tính tới việc áp thuế quan với các nhà cung cấp dầu nước ngoài. Điều này nhận được sự ủng hộ của một số lãnh đạo doanh nghiệp dầu mỏ như Harold Hamm, đứng đầu Continental Resources – bạn của Trump. Tuy nhiên, hầu hết công ty khác và Viện Dầu khí Mỹ (API) phản đối ý tưởng này bởi thuế sẽ gây ra vấn đề với các đơn vị lọc dầu của Mỹ xử lý các loại dầu thô của nước ngoài.
Tự tạo ra cầu
Cầu giảm là nguồn gốc của vấn đề nên có hai ý tưởng để tạo ra nhu cầu.
Đầu tiên, chính quyền liên bang có thể mua dầu cho kho dự trữ quốc gia (SPR). Ông Trump lần đầu đề xuất việc này vài tuần trước nhưng Đảng Dân chủ không chấp nhận, nếu không có số tiền chi tương đương cho năng lượng xanh.
Trump nhắc lại ý tưởng này vào tối hôm 20/4 khi nói rằng tìm cách bổ sung 75 triệu thùng dầu vào kho dự trữ. Giới phân tích cho rằng, Mỹ đang thừa khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày nên nó có thể giải quyết một phần lượng dư thừa.
Tuy nhiên theo nhà giao dịch Trafigura, giá cả cuối cùng phản ánh bởi số dư trên toàn cầu và 75 triệu thùng dầu có thể chỉ bằng lượng sụt giảm nhu cầu trên toàn thế giới trong hai ngày.
Theo Kevin Book tại Clearview Energy Partners, chính quyền liên bang cũng có thể tìm các nơi khác để chứa, có lẽ là các hang ở Gulf Coast – hiện chứa khí tự niên và các loại nhiên liệu khác.
Về lý thuyết, SPR chứa được 800 triệu thùng và có thể mở rộng lên 1 tỷ thùng dầu. Trump đã yêu cầu Bộ trưởng Năng lượng Brouillette tìm thêm chỗ chứa. Tuy nhiên, do giá dầu lao dốc, sức chứa đã gần đầy.
Công nhân xây thêm kho chứa dầu tại Oklahoma hôm 20/4. Ảnh: NYT.
Bơm dòng tiền cho doanh nghiệp
Ý tưởng sau nhận được sự ủng hộ từ các ngân hàng và quỹ phòng hộ. Đó là chính phủ mua dầu nhưng các nhà sản xuất để lại dưới lòng đất. Đến khi giá cả phục hồi, họ khai thác và bán dầu với mức giá cao hơn giá của chính phủ, sau đó hoàn lại tiền trả chính phủ.
Đây là một cách để chính phủ giữ cho dòng tiền của các doanh nghiệp không bị thiệt hại trong bối cảnh sản xuất dư thừa. Theo Greg Pardy tại RBC Capital Markets, chính phủ có thể tính lãi theo lãi suất cơ bản của FED và người nộp thuế sẽ hoàn trả đầy đủ.
Pardy cho rằng, các doanh nghiệp dầu mỏ cần doanh nghiệp ngay lúc này, các kế hoạch giải cứu khác hay giảm trừ thuế sẽ không đủ để cung cấp dòng tiền nhanh chóng. Lãnh đạo các doanh nghiệp đá phiến cũng hy vọng sẽ nhận được một số khoản hỗ trợ từ gói kích thích 450 tỷ USD của Bộ Tài chính Mỹ.
Ông Book tại Clearview cho rằng biện pháp hỗ trợ như vậy là hợp lý vì ông thấy sản xuất dầu mỏ Mỹ tăng vọt những năm gần đây. Một chiến lược tiềm năng cần được bảo vệ.
Để thị trường quyết định
Các giải pháp khác có thể bấp bênh hay thậm chí khiến các nhà sản xuất nhỏ phá sản. Tuy nhiên, nó được API và các tên tuổi lớn của Mỹ như ExxonMobil và Chevron ủng hộ.
Đó là để cho thị trường tự quyết. Giá đầu sụp đổ sẽ cho phép sàng lọc các nhà sản xuất và cung cấp nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp giàu tiềm lực sẽ mua lại các doanh nghiệp nhỏ và tăng hiệu quả sản xuất.
Ông Trump phải lựa chọn giữa việc can thiệp bằng cách mua dầu rồi sau này nhận lại tiền hoặc để thị trường tự trôi theo ý mà không can thiệp.
Dautumy.vn (theo FT)