Người Mỹ không bán hàng trên Facebook

0
237
Người Mỹ không bán hàng trên Facebook
Người Mỹ không bán hàng trên Facebook

Thương mại điện tử của người Việt gói gọn trên Facebook, trong khi ở Mỹ, chợ ảo là Amazon, eBay.

Luật sư Khanh Huỳnh đang sống ở Mỹ, chia sẻ bài viết về “giá trị” của mạng xã hội Facebook:

Vụ điều trần trước Quốc hội Mỹ của một nhân viên cũ của Facebook, bà Frances Haugen, đã khiến nhiều người nhìn nhận lại vai trò và ảnh hưởng của Facebook trong cuộc sống của mình.

Nhiều người cho rằng Facebook chỉ là nơi sống ảo, làm rò rỉ thông tin cá nhân, là chỗ nhiều người dùng để bóc phốt, ném đá lẫn nhau. Nhiều người tin rằng Facebook thu thập thông tin cá nhân nhờ vào những gì mà người dùng chia sẻ. Tôi cho rằng sự việc không đơn giản như vậy.

Vậy Facebook thu thập dữ liệu như thế nào để quảng cáo sản phẩm và đưa nội dung tới người dùng?

Ngoài chuyện thu thập thông tin từ những gì mà bạn đưa lên trang cá nhân hay tương tác với các bài viết trên tài khoản khác, Facebook còn làm những chuyện khác nữa. Điện thoại thì có định vị và chỉ cần thu thập thông tin này thì Facebook sẽ đoán ra là những ai ở chung nhà với nhau. Từ đó các thông tin từ thành viên này sẽ được dùng để quảng cáo sản phẩm tới thành viên khác.

>> Tôi lãng phí nhiều thời gian cho Facebook, Youtube

Có một cô vợ đột nhiên thấy trên Facebook của mình đầy những quảng cáo về ghế sofa dù cô chưa từng ngó, tìm kiếm hay thậm chí mở miệng nói về ghế sofa trong một thời gian rất dài. Sau đó anh chồng mới nói với cô vợ là anh đang nghĩ tới việc mua sofa mới. Hóa ra anh chồng lên Google để tìm kiếm vài kiểu sofa thôi mà Facebook đã hay, và quảng cáo cho cô vợ luôn mới mệt.

Tôi cũng được một phen “tổ trác” về chuyện tương tự. Do công việc nên tôi phải lên mạng dùng Google để tra khảo về một căn bệnh tâm thần loại nặng. Vậy là sau đó người trong nhà tôi lại đồng loạt nhận được các quảng cáo về một loại thuốc mới để chữa căn bệnh đó, cùng với các quảng cáo của các cơ sở chữa bệnh tâm thần trên Facebook.

Ai cũng ngơ ngác hỏi nhau, bộ có ai trong gia đình mình bị gì hay sao. Ngẫm nghĩ mãi tôi mới suy ra, bởi vì tôi chỉ dùng laptop làm việc mà tra cứu trên Google, nhưng Facebook vẫn cứ “đánh hơi” được.

Một số người cho rằng không nên dùng Facebook vào các mục đích “chơi”, như là đăng status, sống ảo, tương tác nội dung. Có người lại bảo là tôi chỉ dùng Facebook để liên lạc với đối tác vì công việc. Thật ra thì chức năng liên lạc của Facebook mới là sức mạnh của mạng xã hội này.

Cũng vài ngày gần đây, Facebook đã bị “sập” trong 6 giờ, bao gồm cả Instagram và Whatsapp. Hậu quả thật tồi tệ, nhất là khi bao người không bán được hàng. Người mua cũng không biết làm sao. Nhiều người liên lạc đối tác qua Facebook cũng gặp khó khăn. Khổ nhất phải kể tới một tổ chức giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành hay rơi vào tay kẻ buôn người, Whatsapp bị sập và các nạn nhân không có cách chi liên lạc với họ được.

Các tương tác liên quan tới công việc và buôn bán là “mỏ vàng” thông tin cho Facebook. Nó cho biết bạn đang cần gì cho công việc, đang muốn bán gì và mua gì. Đồng thời, Facebook lãnh luôn cái nhiệm vụ làm một khu chợ. Ngày xưa người ta nói là ngăn sông cấm chợ, bây giờ không có Facebook vài giờ là cái chợ ảo trên khắp thế giới bị ngừng hoạt động.

Ở Mỹ, chợ ảo là Amazon, là eBay hay Walmart, cũng nhiều khu chợ ảo khác nhỏ hơn. Ở Trung Quốc là Alibaba. Ở nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam, “thương mại điện tử” hầu như gói gọn trên Facebook. Quyền lực của Facebook nằm ở đó. Khi Facebook sập trên toàn cầu, chả có ai than vãn gì chuyện không thể sống ảo hay bóc phốt ai trên Facebook, nhưng lại có khối người khóc đứng khóc ngồi khi cái chợ đồng thời là đường dây liên lạc lại sập cái rầm.

>> Facebook liệu có kết nối bạn bè thực sự?

Facebook đã nhiều lần phải điều trần trước Quốc hội Mỹ. Nhưng cái quyền lực lớn nhất của Facebook thì người Mỹ không phụ thuộc vào nó. Ở Mỹ ít ai buôn bán trên Facebook, họ lên Amazon. Không nhiều người Mỹ dùng Facebook hay Whatsapp để nói chuyện với đối tác làm ăn, dù là ở nơi nào trên thế giới. Các cuộc họp xuyên quốc gia mà tôi tham dự chủ yếu dùng conference call hay Google Meet, Teams và Zoom. Facebook bị xem là kém bảo mật và quan trọng nhất là không chuyên nghiệp.

Người Mỹ không phụ thuộc vào Facebook như các nước khác. Những tác hại của Facebook gây ra mà bà Haugen có nói tới ít ảnh hưởng tới Mỹ. Quốc hội Mỹ băn khoăn về chuyện các thiếu niên có bị ảnh hưởng sức khỏe vì những hình ảnh trên Instagram, hay là liệu Facebook có liên quan tới việc lan truyền các tin giả mà không. Còn Facebook ít có được những thông tin liên quan tới việc làm ăn buôn bán của người dân Mỹ.

Vì vậy, rất khó để có thể xử phạt triệt để Facebook tại Mỹ. Cách duy nhất để bảo vệ bản thân hoàn toàn trước Facebook là xóa nó đi. Ở Việt Nam như vậy thì coi như sẽ gặp khó khăn trong việc lên mạng mua hàng. Nhưng với nhiều người như thế có lẽ vẫn tốt hơn là việc bị lộ những thông tin nhạy cảm.

Đầu tư Mỹ Theo VNE

Bình luận đã bị đóng.