Các biểu đồ kinh tế thế giới thể hiện tình trạng sức khỏe kinh tế hiện nay | Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, Châu Á

0
414
biểu đồ kinh tế mỹ

Triển vọng kinh tế thế giới năm nay ngày càng mờ nhạt khi lạm phát duy trì mức cao, GDP Trung Quốc giảm tốc và Mỹ tăng lãi suất.

Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), triển vọng cho nền kinh tế thế giới ngày càng ảm đạm khi cuộc chiến ở Ukraine gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Âu. Cùng với đó, Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận mạnh tay đối với Covid-19, còn Mỹ thì thắt chặt tiền tệ.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất để chống lại lạm phát leo thang. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng vẫn ở mức cao. Ngân sách hộ gia đình ở Anh và Pháp ngày càng eo hẹp.

Tìm hiểu thêm: 5 kịch bản suy thoái kinh tế Mỹ có khả năng phải đối mặt

Các Biểu đồ kinh tế thế giới tổng quan hiện trạng sức khỏe của kinh tế

Sau đây là những biểu đồ cho thấy tổng quan hiện trạng sức khỏe của kinh tế toàn cầu.

Biểu đồ Diến biến GDP toàn cầu

Biểu đồ Diến biến GDP toàn cầu
Diến biến GDP toàn cầu qua các năm, với 2022 và 2023 là dự báo của IMF. Đồ họa: Bloomberg

IIF dự báo, về cơ bản, kinh tế thế giới sẽ đi ngang trong năm nay, do châu Âu rơi vào suy thoái, Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và Mỹ thắt chặt tiền tệ đáng kể. Khảo sát của tổ chức này với hơn 450 công ty dịch vụ tài chính thành viên dự báo GDP toàn cầu năm nay chỉ tăng trưởng 2,2%. Con số này thấp hơn rõ rệt so với ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là 3,6% trên cơ sở sức mua tương đương.

Biểu đồ Giá xăng dầu ở khu vực Tây Bắc châu Âu

Biểu đồ Giá xăng dầu ở khu vực Tây Bắc châu Âu
Giá xăng dầu ở khu vực Tây Bắc châu Âu gần đây. Đồ họa: Bloomberg

Trong khi đó, thị trường xăng dầu đang bắt đầu mất kiểm soát. Mỹ đang tiêu thụ nhiều xăng hơn do đang bước vào mùa lái xe hè, làm tăng thêm nhu cầu. Thiếu hụt nguyên liệu thứ cấp từ Nga để sản xuất xăng cũng làm tăng thêm áp lực lên giá mặt hàng này.

Biểu đồ Diễn biến CPI tại Mỹ

Biểu đồ Diễn biến CPI tại Mỹ
Diễn biến CPI tại Mỹ. Đồ họa: Bloomberg

Tại Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới, áp lực lạm phát vẫn ở mức cao trong tháng 4, khi giá một số nhu yếu phẩm vẫn tiếp tục tăng, thậm chí có mặt hàng tăng nhanh nhất từ trước đến nay. Trong khi lạm phát vào tháng 3 hạ nhiệt so với cùng kỳ tháng 3/2021, việc lạm phát tính theo tháng vẫn tăng khiến bức tranh chung khó khăn hơn dự báo.

Người mua nhà Mỹ cũng đang ngày càng chuyển sang các khoản vay có lãi suất thả nổi khi chi phí đi vay tổng thể tăng cao. Hiện hình thức vay lãi suất thả nổi chiếm 10,8% tổng đơn vay mua nhà trong tuần đầu tháng 5 tại Mỹ. Con số này tăng từ 3,1% vào đầu năm và là tỷ lệ lớn nhất kể từ năm 2008.

Trong một nghiên cứu công bố gần đây của Wells Fargo, hai nhà kinh tế Tim Quinlan và Sara Cotsakis, cho rằng người tiêu dùng Mỹ khó tìm thấy tương lai sáng hơn trong năm 2022 với tình hình hiện tại.

“Lãi suất tăng khiến các gói vay thế chấp nhà khó chi trả hơn. Giá xăng đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn đang khiến mọi thứ từ sữa công thức cho trẻ em đến thiết bị gia dụng trở nên khan hiếm”, nhóm chuyên gia nhận định.

Biểu đồ Diễn biến CPI tại Pháp

Biểu đồ Diễn biến CPI tại Pháp
Diễn biến CPI tại Pháp. Đồ họa: Bloomberg

Tại châu Âu, trước tình trạng lạm phát leo thang, chính phủ Pháp cam kết tăng trợ cấp xã hội và phân phát phiếu thực phẩm cho các hộ gia đình nghèo nhất khi Tổng thống mới tái đắc cử Emmanuel Macron tìm cách ngăn chặn sự hoảng loạn về cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Nền kinh tế Anh thì bất ngờ thu hẹp vào tháng 3, do chi phí sinh hoạt tăng cao buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu. Diễn biến này dấy lên nhiều dự đoán Ngân hàng Trung ương Anh sẽ phải tiếp tục nâng lãi suất và gây áp lực lên chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson.

Biểu đồ Tỷ lệ nợ trên thu nhập

Biểu đồ Tỷ lệ nợ trên thu nhập
Tỷ lệ nợ trên thu nhập khả dụng của hộ gia đình các nước. Đồ họa: Bloomberg

Nợ hộ gia đình của một số nước châu Âu cũng có dấu hiệu tăng lên. Ví dụ tại Thụy Điển, việc Riksbank tăng lãi suất đột ngột vào cuối tháng 4 đánh dấu sự khởi đầu của một đợt áp lực mới với nhiều người mắc nợ cao.

Biểu đồ Kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc

Biểu đồ Kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc
Biểu đồ Kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc

Ở châu Á, xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc gặp khó khăn trong tháng 4, khi các đợt bùng phát dịch Covid ngày càng nghiêm trọng làm giảm nhu cầu, suy yếu sản xuất và gián đoạn hậu cần trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Biểu đồ Chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản

Biểu đồ Chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản
Chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản trong vòng một năm qua. Đồ họa: Bloomberg

Nhật Bản ghi nhận tín hiệu tích cực khi chi tiêu hộ gia đình lần đầu tiên tăng vào tháng 3, sau ba tháng dỡ bỏ các hạn chế để chống dịch trên toàn quốc. Điều này đã giúp cung cấp một số hỗ trợ cho tiêu dùng tư nhân vào cuối một quý khó khăn của nền kinh tế.

Bản đồ tăng lãi suất cơ bản toàn cầu

Bản đồ tăng lãi suất cơ bản toàn cầu
Bản đồ tăng lãi suất cơ bản toàn cầu từ đầu năm 2022 đến nay. Trong đó, khu vực có màu cam càng đậm là những nơi điểm cơ bản (bps) tăng càng cao. Đồ họa: Bloomberg

Không chỉ các nền kinh tế phát triển, làn sóng tăng lãi suất cũng diễn ra ở các thị trường mới nổi. Ngân hàng trung ương Malaysia đã bất ngờ tăng lãi suất chuẩn trong một nỗ lực để đối phó với áp lực giá cả. Hay như các nhà chức trách ở Argentina đã tăng lãi suất lần thứ năm trong năm nay. Ít nhất 6 ngân hàng trung ương các nước mới nổi tăng lãi suất trong tuần đầu tháng 5.

Biểu đồ Diễn biến CPI một số nước Mỹ Latinh

Biểu đồ Diễn biến CPI một số nước Mỹ Latinh
Diễn biến CPI một số nước Mỹ Latinh. Đồ họa: Bloomberg

Dự kiến, các ngân hàng trung ương khu vực Mỹ Latinh sẽ mở rộng các chiến dịch thắt chặt tiền tệ ngoài những gì dự kiến ban đầu, sau khi lạm phát tháng 4 đã tăng cao hơn dự báo. Trong đó, chi phí thực phẩm và nhiên liệu làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách khu vực này.

Tìm hiểu thêm: Người nhập cư vào Mỹ có tác động tích cực với nền kinh tế Mỹ

Đầu tư mỹ theo Bloomberg, CNN nguồn vnexpress

Bình luận đã bị đóng.