Các Doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn vì thiếu lao động và lạm phát

0
251
các doanh nghiệp mỹ

Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng, nhưng các doanh nghiệp mỹ cũng gặp nhiều thách thức cả về nhân sự và chi phí.

“Triển vọng tăng trưởng trong tương lai bị lu mờ bởi bất ổn địa chính trị và giá cả tăng cao gần đây”, báo cáo mới phát hành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhận định.

Tỷ lệ việc làm cần người của Mỹ vẫn ở gần mức kỷ lục, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất hai năm là 3,6%. Việc khan hiếm lao động tiếp tục kéo lương lên cao. Người lao động cho rằng lạm phát là một lý do để tìm mức lương cao hơn.

Tìm hiểu thêm: Phố Wall nâng lương tranh giành thực tập sinh

Doanh nghiệp dịch vụ mỹ

Doanh nghiệp dịch vụ đang có nhu cầu tuyển người cao. “Lĩnh vực khách sạn và dịch vụ của nền kinh tế dường như lạc quan hơn nhiều so với hàng hóa”, Charles Gascon, Nhà kinh tế cấp cao tại Fed St. Louis, đánh giá.

Doanh nghiệp du lịch

Doanh nghiệp du lịch ở khu vực bờ Đông nước Mỹ ghi nhận hoạt động nghỉ xuân bùng nổ. Trong khi đó, các công ty ở Bờ Tây cho biết du lịch sự kiện và hội nghị đang sinh lời chậm.

Các doanh nghiệp Mỹ cũng đang khuyến khích nhân viên quay lại văn phòng. Một số bổ sung thêm các tiện ích trong văn phòng như khu vực cà phê hay trò chơi điện tử. Xu hướng này cũng giúp các doanh nghiệp dịch vụ hưởng lợi. Trong khi đó, một số doanh nghiệp ở vùng Đông Bắc cởi mở hơn với làm việc tại nhà.

Chi phí nguyên liệu tăng cao

Theo báo cáo, các công ty cũng phải đối mặt với gián đoạn chuỗi cung ứng. Một nhà sản xuất cho biết vài nhà cung cấp châu Âu đã đóng cửa vì chi phí nhiên liệu tăng. Các công ty khác thì lo ngại Covid-19 ở Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.

Với việc chi phí vận chuyển, nhân công và nguyên vật liệu tăng, hầu hết công ty nhanh chóng chuyển chi phí này xuống người tiêu dùng. Fed San Francisco cho biết các hãng hàng không dự kiến tăng giá vé trong vài năm tới do chi phí nhiên liệu ngày càng cao. Báo cáo lưu ý rằng giá dầu và khí đốt đã tăng mạnh sau khi khủng hoảng Ukraine nổ ra

Tăng lãi suất

Fed đang cố gắng kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất và loại bỏ các hỗ trợ kinh tế khác trong thời kỳ đại dịch. Tháng trước, lần đầu tiên sau 3 năm, Fed tăng lãi suất nhưng vẫn ở mức thấp, hiện quanh 0,25 – 0,5%.

Cơ quan này dự kiến tăng lãi suất thêm 0,5% tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào đầu tháng 5 và tiếp tục một loạt đợt tăng trong năm nay để hạ nhiệt lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng trước đã tăng 8,5%, mức cao nhất kể từ năm 1981. Hiện chưa rõ các nhà hoạch định chính sách có thể hạ nhiệt nền kinh tế mà không gây ra suy thoái hay không.

Karen Dynan, Thành viên cấp cao tại Viện Peterson kiêm cựu chuyên gia kinh tế tại Fed cho biết nhu cầu cơ bản ở Mỹ vẫn mạnh do người tiêu dùng tiết kiệm thời kỳ đại dịch và mong muốn giải phóng chi tiêu bị dồn nén. Theo bà, nhu cầu cần tiếp tục được kiềm chế bằng cách rút nới lỏng tiền tệ. “Điều này đã trở nên rất rõ ràng trong những tháng gần đây”, bà đánh giá.

Tìm hiểu thêm: Fed tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018

Nguồn: vnexpress theo WSJ, Reuters

Bình luận đã bị đóng.