Giá hàng hóa toàn cầu vẫn tăng dù nhu cầu Trung Quốc sắp giảm

0
310
Giá hàng hóa toàn cầu vẫn tăng dù nhu cầu Trung Quốc sắp giảm
Giá hàng hóa toàn cầu vẫn tăng dù nhu cầu Trung Quốc sắp giảm

Giá hàng hóa toàn cầu vẫn tăng dù nhu cầu Trung Quốc sắp giảm

Nhu cầu từ Trung Quốc – động lực khiến giá hàng hóa toàn cầu tăng vọt – sắp đạt đỉnh nhưng Mỹ và châu Âu sẽ sớm thay thế vai trò này.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt được sự phục hồi sau đại dịch chủ yếu nhờ mở van tín dụng và xây dựng bùng nổ. Thời gian qua, họ hút nguyên liệu thô từ khắp hành tinh. 4 tháng đầu năm nay, Trung Quốc chi 150 tỷ USD cho dầu thô, cao hơn 36 tỷ so với cùng kỳ 2020.

Với việc giá hàng hóa toàn cầu liên tục lập kỷ lục, các quan chức chính phủ Trung Quốc đang cố gắng kiềm chế giá cả và giảm bớt xu hướng đầu cơ. Lo lắng về bong bóng bất động sản, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã hạn chế dòng tiền chảy vào nền kinh tế từ năm ngoái. Nguồn vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng có dấu hiệu chậm lại.

Theo Bloomberg, dữ liệu tháng 4 cho thấy sự mở rộng kinh tế và tín dụng của Trung Quốc có thể đã lên đỉnh. Tác động rõ ràng nhất trong việc Trung Quốc giảm tỷ lệ đòn bẩy sẽ rơi vào những kim loại chủ chốt phục vụ cho bất động sản và cơ sở hạ tầng như đồng, nhôm hay quặng sắt.

“Tín dụng là động lực chính cho giá hàng hóa và chúng tôi tính toán giá sẽ đạt đỉnh khi tín dụng đạt đỉnh”, Alison Li, Đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kim loại cơ bản tại Mysteel ở Thượng Hải, đánh giá. Ông giải thích thêm rằng, quy luật này là chung với toàn cầu, nhưng tín dụng của Trung Quốc chiếm phần lớn trong số đó, đặc biệt là khi nói đến đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản.

Tác động của việc Trung Quốc siết van tín dụng có thể lan rộng khắp nơi. “Việc tín dụng giảm tốc sẽ khiến nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc giảm”, Hao Zhou, Nhà kinh tế cấp cao về các thị trường mới nổi tại Commerzbank AG, nhận xét, “Cho đến nay, các khoản đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng vẫn chưa cho thấy sự giảm tốc rõ ràng. Nhưng chúng có xu hướng giảm trong nửa cuối năm nay”.

Diễn biến trái chiều của giá đồng (đỏ) và tỷ lệ tín dụng trong GDP của Trung Quốc. Đồ họa: Bloomberg.

Diễn biến trái chiều của giá đồng (đỏ) và tỷ lệ tín dụng trong GDP của Trung Quốc. Đồ họa: Bloomberg.

Những tuần gần đây, giá một số kim loại vẫn liên tục lập đỉnh cho dù tín dụng của Trung Quốc thắt chặt hơn. Các chuyên gia cho rằng, có sự lệch pha so với quy luật chứng tỏ thị trường vẫn chưa đạt đỉnh.

Đà tăng của giá đồng có lẽ vẫn còn diễn ra vài tháng nữa, theo Citigroup. Theo ngân hàng này, lý do là sự chênh lệch giữa cao điểm tín dụng và cao điểm nhu cầu. Từ khoảng 10.000 USD mỗi tấn hiện nay, họ dự báo giá đồng sẽ đạt 12.200 USD vào tháng 9.

Xu hướng này cũng sẽ tương tự trên thị trường kim loại đen. “Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của việc thắt chặt nguồn tiền cho các dự án”, Tomas Gutierrez, nhà phân tích tại Kallanish Commodities, cho biết. “Nhu cầu quặng sắt phản ứng với độ trễ vài tháng so với mức thắt chặt tín dụng. Nhu cầu thép vẫn ở mức cao kỷ lục nhờ nền kinh tế phục hồi và các khoản đầu tư đang diễn ra, nhưng có khả năng sẽ giảm nhẹ vào cuối năm”, ông dự đoán.

Đối với nông nghiệp, thắt chặt tín dụng có thể chỉ ảnh hưởng đến nhập khẩu nông sản của Trung Quốc. Ma Wenfeng, nhà phân tích tại Công ty Tư vấn Kinh doanh Nông nghiệp Phương Đông Bắc Kinh, cho rằng giá nông sản có thể giảm nếu siết tín dụng vì nó kiềm chế đầu cơ. Theo đó, các công ty tư nhân sẽ giảm nhập khẩu.

Nhưng xu hướng lớn hơn là các nhà nhập khẩu khổng lồ thuộc nhà nước vẫn tiếp tục nhập khẩu ngũ cốc để bù đắp sự thiếu hụt trong nước, bổ sung dự trữ nhà nước và đáp ứng các nghĩa vụ thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Nhưng cuối cùng, nhìn chung các công ty Trung Quốc vẫn sẽ phải giảm nhập khẩu các nguyên liệu nói chung vì tác động của việc siết tín dụng dần rõ hơn. Và điều này cũng đồng nghĩa, đà tăng giá của thị trường hàng hóa toàn cầu giai đoạn tiếp theo sẽ phụ thuộc vào mức độ phục hồi ở các nền kinh tế bao gồm Mỹ và châu Âu.

Nhập khẩu dầu thô (đen), đồng (đỏ), quặng sắt (xanh) của Trung Quốc qua 15 năm. Đồ họa: Bloomberg.

Nhập khẩu dầu thô (đen), đồng (đỏ), quặng sắt (xanh) của Trung Quốc qua 15 năm. Đồ họa: Bloomberg.

Nói rộng hơn, việc thắt chặt chính sách của Bắc Kinh không kéo tụt được giá hàng hóa. “Trước đây, điểm uốn của giá kim loại công nghiệp thường trùng với chu kỳ tín dụng của Trung Quốc”, Larry Hu, Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group cho biết, giờ thì thị trường hàng hóa nguyên liệu vẫn không bị cản trở bởi nhu cầu của Trung Quốc. Nguyên nhân là Mỹ đã tung ra các biện pháp kích thích lớn hơn nhiều so với Trung Quốc, và nhu cầu của họ rất mạnh.

Ông Hu cũng chỉ ra sự thận trọng của các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, những người không muốn mạo hiểm với đà phục hồi nếu siết tín dụng quá chặt. “Tôi dự đoán đầu tư vào bất động sản của Trung Quốc sẽ chậm lại, nhưng không quá nhiều. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng không thay đổi nhiều trong vài năm qua và cũng không thay đổi trong năm nay”, ông nói.

Harry Jiang, người đứng đầu bộ phận kinh doanh và nghiên cứu tại Yonggang Resouces, một nhà kinh doanh hàng hóa ở Thượng Hải, cũng cho rằng Trung Quốc cũng sẽ không thắt chặt tín dụng quá mức. “Chúng tôi không có nhiều lo ngại về việc thắt chặt tín dụng”, ông nói.

Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong, cho biết thêm, Trung Quốc đã tăng chi tiêu tiêu dùng như một đòn bẩy cho tăng trưởng. Cùng với đó, nguồn cung hàng hóa toàn cầu bị gián đoạn vì đại dịch cũng là một yếu tố mới góp phần giúp giá cả đi lên.

Bình luận đã bị đóng.