[Thị thực du học Mỹ (visa F-1)] – Hơn 250.000 đơn xin visa du học bị từ chối, chiếm khoảng 36% tổng số đơn nộp trong năm 2023, là mức cao nhất trong 20 năm qua.
Báo cáo của Viện Cato, tổ chức nghiên cứu chính sách công tại Mỹ, công bố hôm 19/3 cho thấy tổng số thị thực du học Mỹ (visa F-1) được cấp năm ngoái đạt hơn 445.000. Số này tăng khoảng 34.000 so với năm trước đó. Tuy nhiên, số thị thực du học bị từ chối cũng tăng 30.000, cao hơn gần 40% mức kỷ lục của năm 2016.
Tỷ lệ thị thực du học bị từ chối năm 2023 là 36,3% tổng số đơn, cao nhất kể từ năm 2013 tới nay. Trong giai đoạn này, 2015 là năm số lượng người nộp đơn xin visa du học cao nhất với hơn 786.000, thì số bị từ chối vẫn ít hơn so với năm 2023.
Tính trong 10 năm, tỷ lệ từ chối visa du học tăng hơn gấp đôi so với mức 15% của năm 2014. Theo Viện Cato, du học sinh Ấn Độ bị từ chối nhiều nhất, chiếm khoảng 29%.
David J.Bier, Phó giám đốc nghiên cứu tại Viện Cato, cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu rõ lý do từ chối cấp thị thực du học. Ông nhận định hầu hết trường hợp là do không chứng minh được ý định quay về nước sau tốt nghiệp.
Một trong những điều kiện để du học sinh nộp đơn xin thị thực du học Mỹ F-1 là được nhận vào một đại học ở Mỹ. Theo Viện Cato, trung bình mỗi sinh viên cần chi trả 30.000 USD học phí và sinh hoạt phí một năm. Do đó, tổng số tiền mà nước Mỹ từ chối lên tới 7,6 tỷ USD.
Báo cáo của Cato cho thấy sự chênh lệch về tỷ lệ từ chối thị thực F1 so với các loại thị thực tạm thời. Từ năm 2021 tới nay, tỷ lệ thị thực du học bị từ chối cao gần gấp đôi so với tất cả loại khác.
Thống kê gần nhất của Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ (IIE) cho thấy năm học 2022-2023, Mỹ có khoảng một triệu sinh viên quốc tế, đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có 21.900 du học sinh người Việt.
55% sinh viên quốc tế theo đuổi bằng cấp về STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học). Với du học sinh Việt Nam, tỷ lệ chọn lĩnh vực STEM là 47,6%, khoảng 25% chọn các ngành Kinh doanh và Quản lý.
Học phí đại học trung bình ở Mỹ hiện khoảng 28.000-46.000 USD mỗi năm, tùy trường công hay tư. Sinh viên quốc tế được làm thêm 20 giờ mỗi tuần. Sau tốt nghiệp, họ được ở lại làm việc 12 tháng, thông qua chương trình OPT – Optional Practical Training (thực tập không bắt buộc).
Với nhiều ngành STEM, sinh viên quốc tế được phép gia hạn OPT thêm 24 tháng, nâng tổng thời gian được ở lại lên tối đa 36 tháng.
dautumy.vn theo VNE
Tìm hiểu thêm về Du học Mỹ: Giao Lưu Văn Hóa Mỹ (J-1) , Du Học Mỹ (F-1)