Gia tộc Walton bình quân mỗi giờ có thêm 3 triệu USD, tiếp tục giữ ngôi giàu nhất thế giới trên bảng xếp hạng của Bloomberg năm nay.
1. Walton
Công ty: Walmart
Tài sản: 215 tỷ USD
Trụ sở: Bentonville, Arkansas (Mỹ)
Thế hệ sở hữu công ty: thứ 3
Walmart là hãng bán lẻ lớn nhất thế giới về doanh thu, với 524 tỷ USD từ hơn 11.000 cửa hàng toàn cầu. Hai công ty Walton Enterprises và Walton Family Holdings Trust sở hữu nửa cổ phần Walmart – nguồn tài sản chính của gia đình Walton. Bình quân mỗi giờ, tổng tài sản của gia tộc này tăng 3 triệu USD trong năm qua.
2. Mars
Công ty: Mars
Tài sản: 120 tỷ USD
Trụ sở: McLean, Virginia (Mỹ)
Thế hệ sở hữu công ty: thứ 5
Frank Mars học cách làm chocolate khi còn là học sinh. Công ty ông thành lập sau này trở nên nổi tiếng với các thương hiệu M&M, Milky Way và Mars Bars, dù các sản phẩm chăm sóc thú nuôi đóng góp tới gần nửa doanh thu 38 tỷ USD hàng năm của họ. Mars hoàn toàn do các thành viên gia đình sở hữu.
3. Koch
Công ty: Koch Industries
Tài sản: 109,7 tỷ USD
Trụ sở: Wichita, Kansas (Mỹ)
Thế hệ sở hữu: thứ 3
Anh em Frederick, Charles, David và William thừa kế công ty lọc dầu của người cha – Fred. Cuộc chiến giành quyền kiểm soát công ty đầu thập niên 80 đã buộc Frederick và William rời bỏ công ty. Charles và David ở lại gây dựng doanh nghiệp thành Koch Industries – một đế chế đa ngành với doanh thu hàng năm 115 tỷ USD. Hai anh em quản lý tài sản của mình thông qua một công ty gia đình – 1888 Management.
4. Al Saud
Tài sản: 100 tỷ USD
Nơi ở: Riyadh (Saudi Arabia)
Tài sản của hoàng tộc lãnh đạo Saudi Arabia được ước tính dựa trên khoản tiền mà các thành viên hoàng gia được nhận suốt hơn 50 năm qua. Tổng tài sản của hơn 15.000 thành viên có thể còn cao hơn nhiều. Rất nhiều người còn kiếm tiền từ môi giới hợp đồng chính phủ, buôn bán bất động sản và lập công ty, như đại gia dầu mỏ Saudi Aramco.
5. Ambani
Công ty: Reliance Industries
Tài sản: 81,3 tỷ USD
Trụ sở: Mumbai (Ấn Độ)
Thế hệ sở hữu: thứ 3
Năm nay, vị trí của gia tộc Ambani tăng 4 bậc trên bảng xếp hạng của Bloomberg, với tổng tài sản tăng gần 31 tỷ USD.
Dhirubhai Ambani thành lập công ty tiền thân của Reliance Industries năm 1957. Khi qua đời năm 2002, ông không để lại di chúc. Vì vậy, vợ ông đã phải giải quyết tranh chấp giữa hai người con về quyền kiểm soát tài sản gia đình. Mukesh (ngoài bên phải) hiện là người đứng đầu đế chế này. Ông sống trong một căn biệt thự 27 tầng, được mệnh danh là nhà riêng đắt đỏ nhất thế giới.
6. Hermes
Công ty: Hermes
Tài sản: 63,9 tỷ USD
Trụ sở: Paris (Pháp)
Thế hệ sở hữu: thứ 6
Jean-Louis Dumas đã biến Hermes thành đế chế hàng xa xỉ toàn cầu. Ông mất năm 2010. Hiện Axel Dumas là chủ tịch Hermes.
7. Wertheimer
Công ty: Chanel
Tài sản: 54,4 tỷ USD
Trụ sở: Paris (Pháp)
Thế hệ sở hữu công ty: thứ 3
Anh em Alain và Gerard Wertheimer hiện sở hữu hãng thời trang Chanel. Ông của họ – Pierre là đối tác của nhà thiết kế Coco Chanel thập niên 20. Năm ngoái, công ty này đạt doanh thu 12 tỷ USD. Nhà Wertheimer còn sở hữu nhiều vườn nho và ngựa đua.
8. Johnson (Fidelity)
Công ty: Fidelity Investments
Tài sản: 46,3 tỷ USD
Trụ sở: Boston (Mỹ)
Thế hệ sở hữu: thứ 3
Tập đoàn tài chính này được Edward C. Johnson II thành lập năm 1946 tại Boston. Hiện Fidelity Investments do con gái ông – Abigail điều hành.
9. Boehringer, Von Baumbach
Công ty: Boehringer Ingelheim
Tài sản: 45,7 tỷ USD
Trụ sở: Ingelheim (Đức)
Thế hệ sở hữu công ty: thứ 4
Đại gia dược phẩm Đức thành lập năm 1885 bởi Albert Boehringer. Hơn 130 năm sau, gia đình Boehringer vẫn kiểm soát công ty này, với Chủ tịch Hubertus von Baumbach là cháu của Albert Boehringer. So với năm ngoái, tài sản của gia tộc này giảm 6,2 tỷ USD
10. Albrecht
Công ty: Aldi
Tài sản: 41 tỷ USD
Trụ sở: Rhineland (Đức)
Thế hệ sở hữu: thứ 3
Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, hai anh em Theo and Karl Albrecht tiếp quản cửa hàng tạp hoá của bố mẹ. Họ đã biến nó thành chuỗi siêu thị Aldi trên toàn nước Đức. Những năm 1960, Theo và Karl chia đôi hoạt động kinh doanh thành hai thương hiệu Aldi Nord và Aldi Sued. Hiện cả hai có khoảng 10.000 cửa hàng.
Dautumy.vn (theo Bloomberg)