Kinh tế Mỹ cuối năm từ thông điệp của Fed

0
187
Kinh tế Mỹ cuối năm từ thông điệp của Fed
Kinh tế Mỹ cuối năm từ thông điệp của Fed

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định tăng lãi suất nửa điểm phần trăm vào ngày 14/12 và dự kiến sẽ tăng thêm ít nhất 0,75 điểm phần trăm trong năm 2023, bất chấp các dự đoán về suy thoái kinh tế Mỹ.

Không hạ lãi suất trước năm 2024

Đúng như kỳ vọng của thị trường, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – bộ phận hoạch định chính sách tiền tệ của Fed – đã tăng lãi suất thêm 0,5%, đưa phạm vi mục tiêu lên 4,25% đến 4,5%. Quyết định này đã kết thúc 4 đợt tăng 0,75% liên tiếp với những động thái chính sách cứng rắn chưa từng có của Fed kể từ những năm 1980.

Lãi suất chuẩn tăng, chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2007 – trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ – nhân tố chủ chốt trong việc truyền dẫn các quyết định chính sách của Fed vào nền kinh tế thực – ít thay đổi sau khi quyết định lãi suất được công bố hôm 14/12.

Ngoài ra, một tín hiệu trong cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày cũng cho thấy giới chức Fed dự kiến sẽ duy trì mức lãi suất cao hơn trong cuộc họp tới và không hạ lãi suất cho đến năm 2024. Mức lãi suất tối đa dự kiến là 5,1%, tức là sau ngưỡng này Fed mới kết thúc đợt tăng lãi suất. Theo đó, phạm vi lãi suất trong năm 2023 tới có thể là 5% đến 5,25%.

Chỉ 2/19 quan chức của FOMC dự báo lãi suất điều hành của Fed sẽ ở mức dưới 5% trong năm 2023, 17 người còn lại tin rằng lãi suất sẽ phải vượt 5%. Điều này cho thấy Fed cũng không chắc về những gì diễn ra trong thời gian tới với một nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao nhất kể từ đầu những năm 1980.

Chiến dịch chống lạm phát đã có tiến triển

Việc ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới tiếp tục tăng lãi suất diễn ra sau khi các số liệu mới được công bố cho thấy cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ đã có tiến triển. Theo Bộ Lao động Mỹ, Chỉ số giá tiêu dùng – CPI tháng 11 chỉ tăng 0,1% và tăng 7,1% so với 1 năm trước, trong khi CPI lõi tăng 6%. Nghĩa là cả 2 thước đo này đều đạt mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.

Chỉ báo được Fed quan tâm hơn là Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân – PCE đã giảm xuống mức 5% so với năm trước vào tháng 10. Tuy nhiên, những con số trên vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Các quan chức đã nhiều lần nhấn mạnh việc cần phải thấy lạm phát liên tục giảm và cảnh báo không nên quá lạc quan về các xu hướng chỉ diễn ra trong vài tháng.

“Trọng tâm của chúng tôi hiện nay thực sự là đưa vị thế chính sách tiền tệ lên một mức đủ thắt chặt để đảm bảo lạm phát sẽ hạ về mức mục tiêu theo thời gian, chứ chưa phải là cắt giảm lãi suất” – Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trước báo giới sau cuộc họp hôm 14/12, để ngỏ khả năng xem xét lại kế hoạch tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 2/2023. Ông cũng nhấn mạnh, điều quan trọng lúc này không còn là tốc độ tăng lãi suất nhanh như thế nào, mà thay vào đó là mức tăng lãi suất và cần duy trì mức đó trong bao lâu.

Hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế Mỹ

Reuters dẫn lời chiến lược gia trưởng Karl Schamotta của Corpay đánh giá: “Nhìn chung, những thông điệp mà Fed đưa ra lúc này là đơn giản nhưng thuyết phục: Fed chưa sẵn sàng cho việc xoay trục chính sách tiền tệ một cách đáng kể cho tới khi họ thấy có bằng chứng chắc chắn và bền vững về sự đảo ngược của các áp lực lạm phát”.

FOMC đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2023, dự kiến ở mức 0,5% – cao hơn một chút so với mức được coi là suy thoái. GDP của Mỹ được Fed dự báo phục hồi lên mức 1,6% trong năm 2024 và 2,8% trong năm 2025 – được cho là thấp hơn so với tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.

Ngoài ra, FOMC cũng nâng dự đoán trung bình đối với CPI lõi lên 4,8%, cao hơn 0,3% so với triển vọng hồi tháng 9. Fed dự báo lạm phát ở Mỹ sẽ còn cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed cho tới ít nhất cuối năm 2025, và đến cuối năm 2023 vẫn còn ở mức hơn 3%.

Các quan chức cũng giảm nhẹ triển vọng về tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong năm nay và nâng cao hơn một chút cho những năm tiếp theo. Thị trường lao động luôn là biến số lớn nhất với Fed trước mọi quyết sách, bởi các quan chức lo rằng tình trạng giá cả gia tăng sẽ còn tiếp diễn do đà tăng trưởng thu nhập và nhu cầu lao động vẫn cao.

Nhận định của chuyên gia kinh tế Mỹ

Theo Chris Zaccarelli – Giám đốc đầu tư tại Independent Advisor, các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn của Fed sẽ làm giảm khả năng xảy ra kịch bản “hạ cánh mềm” đối với nền kinh tế Mỹ. “Nền kinh tế vẫn chưa suy thoái, nhưng chừng nào Fed còn mạnh tay tăng lãi suất thì nó sẽ khó duy trì khả năng phục hồi và cơ hội “hạ cánh mềm” sẽ giảm” – ông Zaccarelli nêu quan điểm.

Ông Powell hôm 14/12 từ chối khẳng định về cơ hội “hạ cánh mềm” của nền kinh tế, thừa nhận rằng những hành động chính sách nhằm giảm lạm phát của Fed sẽ gây tổn thất cho nền kinh tế. “Tôi ước có một cách nào đó ít đau thương hơn để ổn định lại giá cả, nhưng không có gì như vậy. Và đây (việc tăng lãi suất) là cách tốt nhất chúng tôi có thể làm” – Chủ tịch Fed nói hôm 14/12.

Trên phạm vi toàn cầu, Fed không hề “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến chống lạm phát, khi là 1 trong số 9 ngân hàng trung ương đưa ra quyết định về lãi suất trong tuần này. Không chỉ Fed, cân bằng giữa chống lạm phát và bảo vệ nền kinh tế trước suy thoái là một nhiệm vụ khó khăn của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới hiện nay.

Dự đoán về kinh tế Mỹ

Trong một lưu ý mới đây, ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ Bank of America (BoA) dự đoán nền kinh tế số 1 thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong tháng 3/2023. Theo đó, 5 dấu hiệu được các chuyên gia của BoA chỉ ra cho lập luận này bao gồm: Đường cong lợi suất đảo chiều mạnh nhất kể từ tháng 10/1981; Giá dầu giảm; Cổ phiếu ngân hàng giảm; Chỉ số đơn đặt hàng mới trong ngành sản xuất giảm liên tục; Thị trường bất động sản ảm đạm.

Dự đoán này cũng phù hợp với quan điểm của các lãnh đạo DN, khi một cuộc khảo sát gần đây do Conference Board thực hiện cho thấy 98% CEO tin rằng suy thoái kinh tế Mỹ sẽ xảy ra vào năm 2023, tăng so với tỷ lệ 95% được thực hiện trước đó.

Tại Mỹ, việc công bố nền kinh tế có suy thoái hay không thuộc thẩm quyền của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, nhưng thường sẽ được đưa ra chậm hơn so với diễn biến thực tế. “Theo truyền thống, suy thoái sẽ tới cùng lúc khi sự suy giảm thu nhập trên thị trường chứng khoán bắt đầu. Vì vậy, nếu nhận thấy dấu hiệu này vào quý IV/2022, có thể chúng ta sẽ thấy suy thoái kinh tế bắt đầu vào tháng 1/2023. Thật không may, có những lúc tới tận 8 tháng sau, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia mới công bố tình hình” – ông Sam Stovall, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược, Công ty CFRA của Mỹ cho biết.

 (Nguồn : kinhtedothi.vn)

Xem thêm :

Bình luận đã bị đóng.