Cách để doanh nghiệp thích ứng tốt với Covid-19

0
354
Cách để doanh nghiệp thích ứng tốt với Covid-19
Cách để doanh nghiệp thích ứng tốt với Covid-19

Xây dựng khả năng linh hoạt, ứng biến là yếu tố hàng đầu để doanh nghiệp tồn tại và thích nghi với sự khó lường của đại dịch.

Tại diễn đàn “Lãnh đạo đột phá” do Hawee tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đồng thuận chỉ ra yếu tố chung mà bất kỳ đơn vị nào cũng phải có để thích ứng với hiện tại. Đó là văn hóa linh hoạt và ứng biến, hay còn gọi là tinh thần Agile.

“Aglie là chuyện đương nhiên phải làm và làm nhanh trong thời điểm hiện tại”, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever khẳng định. Theo bà, thị trường đang thay đổi nhanh. Với sự hỗ trợ của công nghệ, tất cả thị trường đều đang phân mảng và phân khúc, nhu cầu của người tiêu dùng thì ngày càng phức tạp. Việc bán hàng không chỉ offline mà còn online và kết hợp. Cùng với đó, nhiều mô hình startup mới mẻ hình thành.

“Nhưng với bức tranh mới phải xem đó là cơ hội. Hai thứ cần là tư duy cầu tiến và tinh thần doanh chủ. Kể cả nhân viên cũng cần hai yếu tố đó để thay đổi”, bà Vân nói.

Ông Nguyễn Hoàng Tiến , CEO Seedcom cũng đề cao tinh thần liên tục học hỏi để nâng cao năng lực ứng biến trong bối cảnh hiện tại. “Cần liên tục học hỏi nhưng phải biết học cái gì, biết khách hàng và nhân viên cần gì”, ông Tiến nói.

Theo ông, cách để có thể học nhanh là các lãnh đạo có thể ngồi lại với nhau để chia sẻ thông tin, hiểu biết. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ để tự động hóa và triển khai cái mới sẽ giúp học rất nhanh, thử nghiệm nhanh với chi phí thấp.

Văn hóa linh hoạt ứng biến còn được thể hiện trong chính người lãnh đạo và quy trình hoạt động của công ty. Bà Vưu Lệ Quyên, CEO Biti’s cho biết, bản thân có 5 đặc điểm. Thứ nhất, bà không có văn phòng làm việc riêng mà có thể ngồi bất kỳ đâu. Thứ hai, không có thư ký hay trợ lý riêng vì với công nghệ bà có thể tự quản lý và làm chủ lịch làm việc.

Thứ ba, bà thích học tập và có tư duy mở nên niềm vui là cùng học với cán bộ, nhân viên. “Lãnh đạo có thể thấy hơi khó khăn khi học cùng với nhân viên nhưng đó là điều nên làm để hai bên thấy điểm mạnh yếu của nhau mà hỗ trợ, phát huy”, bà Quyên nói. Ngoài ra, bà cho biết còn nghiêm ngặt thực hiện tĩnh tâm mỗi ngày 15-30 phút để tạo sự bình an, yêu thương, làm mới năng lượng bản thân.

Hay như ở góc độ quy trình, những năm gần đây Minh Long I đã linh hoạt thích ứng với nhu cầu ngày càng thay đổi nhanh chóng của thị trường. “Trước đây, chúng tôi mất 4-5 năm để thiết kế ra sản phẩm mới. Nhưng nay với nhu cầu của khách hàng và sự cạnh tranh nên chúng tôi áp dụng các công nghệ kỹ thuật số, dùng CNC, in 3D để cho ra mẫu mới trong 5-6 tháng”, ông Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Minh Long I, cho biết.

Đại dịch chưa chấm dứt và doanh nghiệp cần xây dựng năng lực ứng biến để tồn tại. Ảnh: Pixabay.

Đại dịch chưa chấm dứt và doanh nghiệp cần xây dựng năng lực ứng biến để tồn tại. Ảnh: Pixabay.

Khảo sát vừa công bố của Talentnet đối với 103 doanh nghiệp là hội viên của Hội Nữ doanh nhân TP HCM (Hawee) cho thấy, trong năm ngoái, 54% doanh nghiệp có duy trì và tăng trưởng doanh thu. Cùng với đó, 54% doanh nghiệp thể hiện khả năng thích nghi tốt qua mùa dịch.

“Các doanh nghiệp rất linh hoạt, sáng tạo khi cho ra những sản phẩm mới, giá rẻ, tiết kiệm và đi vào thị trường ngách”, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talentnet nhận xét.

Cũng theo khảo sát, một doanh nghiệp có khả năng thích nghi tốt thể hiện qua 3 điểm: lãnh đạo dấn thân, lãnh đạo đội ngũ và lãnh đạo tổ chức tốt. Trong đó, lãnh đạo dấn thân là người đứng đầu quản trị được năng lượng bản thân, duy trì tinh thần vững vàng cho nhân viên và khách hàng.

Lãnh đạo đội ngũ tốt thể hiện ở các mặt như nâng cao sự chủ động và tinh thần trách nhiệm cho từng cá nhân, tin trưởng và trao quyền cho đội ngũ, các cấp cùng cộng tác để tạo ra giá trị. Còn lãnh đạo tổ chức tốt thể hiện ở mặt duy trì được lĩnh vực kinh doanh cốt lõi nhưng tìm các cơ hội mới…

Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra rằng doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế như phản ứng tốt nhưng thiếu sự đầu tư dài hạn cho phát triển bền vững; đầu tư vào phần “xác” nhưng chưa đầu tư nhiều vào phần “hồn”; phát huy mạnh mẽ dừng lại ở từng cá nhân mà thiếu sự đồng bộ.

“Thế khó của doanh nghiệp là vừa phải tồn tại và phát triển với công việc kinh doanh hiện tại, vừa phải có dự án phát triển mới, vừa điều chỉnh hoạt động nội bộ nên phải có sự sắp xếp mức độ ưu tiên trong quá trình thực hiện”, bà Trinh nói.

Để phát triển tốt hơn trong giai đoạn hậu Covid-19, các doanh nghiệp được hỏi cho rằng họ muốn tập trung phát huy 8 điểm: định hướng mục tiêu; xây dựng lực lưọng kế thừa; tạo năng lực lãnh đạo và trao quyền; xây dựng chiến lược dài hạn cho công ty; năng lực truyền cảm hứng; duy trì và phát huy văn hoá doanh nghiệp; chuyển đổi số và quản trị tinh gọn; sự linh hoạt trong lãnh đạo và quản lý.

Dautumy.vn theo Vnexpress

SHARE

Bình luận đã bị đóng.