Chu kỳ thắt chặt tiền tệ tại Mỹ sắp kết thúc?

0
177
Chu kỳ thắt chặt tiền tệ tại Mỹ sắp kết thúc
Chu kỳ thắt chặt tiền tệ tại Mỹ sắp kết thúc

Nếu FED có tiếp tục lộ trình nâng lãi suất tại Mỹ thì tối đa cũng chỉ còn một lần tăng nữa.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau cuộc họp của FED

Trong thông báo chính thức, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Như vậy đây là lần thứ 9 liên tiếp tiếp FED tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát. Phố Wall phản ứng bình tĩnh trước thông tin này, song sắc xanh không giữ được khi đóng cửa.

Chốt phiên 22/3, cả 3 chỉ số chính đều giảm khoảng 1,6% giá trị. Mặc dù phải mất 2 – 3 phiên tới để thị trường có thể giải mã hết những thông điệp mà FED đưa ra, song phiên giảm điểm đêm qua cho thấy tăng trưởng của kinh tế Mỹ vẫn mong manh. Lạm phát ở Mỹ dù đã giảm sau các đợt tăng lãi suất cơ bản liên tiếp, nhưng hiện vẫn ở mức cao so với mục tiêu dài hạn của FED là 2%.

Có thể nói cuộc họp tháng 3 được coi là cuộc họp bản lề với FED, bởi nó sẽ định hình bước đi chính sách trong cả năm 2023. Trước bối cảnh sức khoẻ của ngành ngân hàng Mỹ hiện nay, những bước đi này còn mang nhiều ý nghĩa hơn nữa.

Mới hồi đầu tháng khi điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch FED ông Jerome Powell đưa ra quan điểm “diều hâu”, khi cứng rắn cho rằng: “Chúng tôi sẽ sẵn sàng nâng tốc độ tăng lãi suất”.

Tuy nhiên, tại cuộc họp rạng sáng 23/3 (giờ Việt Nam), mọi chuyện đã khác.

Lý giải việc FED tăng lãi suất tại Mỹ lần thứ 9 liên tiếp

Có thể thấy ông Powell và FED đã có sự thay đổi lập trường rất lớn, rằng tăng liên tục lãi suất hiện khó có thể hạ nhiệt lạm phát về mức mục tiêu 2% ngay. Một thông điệp rất quan trọng với thị trường đó là ức lãi suất cơ bản của Mỹ sau khi tăng lần này sẽ đạt từ 4,75% đến 5%. Đây đã là mức cao nhất kể từ năm 2007. Vậy lộ trình về lãi suất trong thời gian tới sẽ ra sao?

Câu trả lời đã được FED đưa ra trong bản Tóm tắt Dự báo kinh tế mới nhất. Từ biểu đồ dot-plot – thể hiện kỳ vọng về mức lãi suất của FED, cơ quan này dự định nâng lãi suất lên mức 5,1% vào cuối năm nay. Điều đó nghĩa là lãi suất kỳ vọng sẽ nằm trong khoảng từ 5% đến 5,25%. Nếu FED có tiếp tục lộ trình nâng lãi suất của mình thì tối đa cũng chỉ còn một lần tăng nữa.

Đây được xem là một sự thay đổi lớn bởi trước đó các chuyên gia đều dự báo sẽ còn 2-3 đợt tăng nữa, qua đó đẩy mặt bằng lãi suất cơ bản lên gần 6% vào cuối năm 2023. Báo chí Mỹ ngay lập tức đã có nhiều phân tích về động thái nâng lãi suất lần thứ 9 này của FED nhằm trấn an thị trường, giữ uy tín và chống lạm phát.

Ý kiến của chuyên gia

Tờ USA Today News trích phát biểu của cựu Cố vấn cấp cao cho Hội đồng thống đốc của FED cho rằng, đây là thời điểm vô cùng thử thách đối với FED. Trong trường hợp này, Chủ tịch Powell phải đóng hai vai, vừa là lính cứa hỏa để dập lửa lạm phát, vừa là cảnh sát để đảm bảo hệ thống ngân hàng ổn định trở lại.

The Economist nhận định, tăng lãi suất có thể phần nào trấn an thị trường. Bởi lẽ, việc dừng lại sẽ cho thấy FED, với giọng điệu và hành động diều hâu trong cả năm qua, đang thực sự lo lắng. Trong khi, tăng lãi suất sẽ là tín hiệu cho thấy những căng thẳng trong ngành ngân hàng đang được kiểm soát.

Trong buổi họp báo mới nhất, Chủ tịch FED cũng đã phát đi những tín hiệu ổn định của hệ thống tài chính nước này.

“Hệ thống ngân hàng của chúng tôi lành mạnh và linh hoạt với nguồn vốn và thanh khoản mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các điều kiện trong hệ thống ngân hàng và sẵn sàng sử dụng tất cả các công cụ khi cần thiết để giữ cho hệ thống an toàn và lành mạnh”, ông Jerome Powell – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho hay.

Giờ đây, các nhà giao dịch trên thị trường đặt cược FED tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào đầu tháng 5 tới trước khi chuyển sang cắt giảm lãi suất.

Dự báo GDP, lạm phát Mỹ năm 2023

Bên cạnh những thông tin quan trọng về lãi suất, FED cũng đã đưa ra những dự báo mới nhất về tăng trưởng và thất nghiệp Mỹ. Về GDP, kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng 0,4% thấp hơn dự báo đưa ra hồi tháng 12 là 0,5%. Lạm phát lõi vẫn khó hạ nhiệt, trong khi thất nghiệp ở mức 4,5%.

Rõ ràng kịch bản “hạ cánh mềm” – tức lạm phát giảm, thất nghiệp tăng, tăng trưởng giảm nhưng không quá lớn đang là kịch bản cần nhiều nỗ lực hơn từ phía FED trong thời gian tới.

Liệu nền kinh tế Mỹ sẽ chọn đường băng nào để đáp? Hạ cánh mềm hay Hạ cánh cứng, hoặc có thể là kịch bản “Không hạ cánh – No Landing” được hiểu là mô hình kinh tế vẫn duy trì đà tăng trưởng, một thị trường lao động mạnh mẽ và lạm phát sẽ không biến mất?

(Nguồn : vtv.vn)

Xem thêm :

Bình luận đã bị đóng.