Ngày hội shopping Black Friday u ám vì lạm phát tại Mỹ

0
226
Ngày hội shopping Black Friday u ám vì lạm phát tại Mỹ
Ngày hội shopping Black Friday u ám vì lạm phát tại Mỹ

Tại lễ hội mua sắm Black Friday năm nay ở Mỹ, giới quan sát đánh giá niềm tin của người mua hàng rất thấp, chủ yếu do lạm phát tại Mỹ tăng vọt khiến doanh thu có thể không như kỳ vọng.

Black Friday, ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm, được coi là bài kiểm tra sức mua của người tiêu dùng. Bước vào ngày hội mua sắm tại Mỹ năm nay, giới quan sát đánh giá niềm tin của người tiêu dùng rất bấp bênh, chủ yếu do lạm phát tăng vọt khiến doanh thu có thể không như kỳ vọng.

Năm ngoái, các nhà bán lẻ phải đối mặt với tình trạng thiếu hàng do gián đoạn trong chuỗi cung ứng, liên quan khâu vận chuyển và hoạt động nhà máy bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Để ngăn chặn điều tương tự lặp lại, các nhà bán lẻ đã nhập sẵn lượng hàng phục vụ cho kỳ nghỉ lễ năm nay, song điều này có thể khiến ngành phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu vào thời điểm người tiêu dùng có xu hướng “thắt chặt hầu bao”.

Giám đốc điều hành của GlobalData Retail – một công ty tư vấn thị trường, ông Neil Saunders, nhận định nếu thiếu hụt nguồn cung là vấn đề của năm ngoái, thì vấn đề của năm nay là nguy cơ dư thừa hàng hóa.

Ông Saunders cho biết thời gian gần đây, các nhà bán lẻ đã nỗ lực giải quyết hàng tồn kho, trong đó tình trạng cung vượt cầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người săn hàng giá rẻ ở nhiều danh mục, bao gồm đồ điện tử, đồ dùng gia đình và quần áo.

Nhận định của chuyên gia

Nhận định về triển vọng của Black Friday năm nay, bà Susannah Streeter, nhà phân tích thị trường và đầu tư cấp cao của Hargreaves Lansdown, cho rằng các nhà bán lẻ đang rất cần “một sự khích lệ” từ phía người tiêu dùng, song họ lo ngại rằng ngày hội mua sắm năm nay sẽ diễn ra ảm đạm.

Người tiêu dùng Mỹ đã duy trì sức mua khá ổn định qua thời đại dịch COVID-19, thậm chí thường chi tiêu vượt mong đợi, một phần do xu hướng tăng tiết kiệm. Tuy nhiên, lợi thế này cũng đang giảm dần khi theo Moody’s, sau khi đạt mức 2.500 tỷ USD vào giữa năm 2021, đến quý II/2022, lượng tiết kiệm đã giảm xuống còn 1.700 tỷ USD, trong khi nợ tín dụng lại gia tăng.

Người tiêu dùng có mức thu nhập dưới 35.000 USD/năm bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi tiền tiết kiệm của họ giảm gần 39% trong khoảng thời gian từ quý IV/2021 đến giữa năm 2022.

Chi phí cao hơn cho xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu như thịt và ngũ cốc là vấn đề của toàn bộ nền kinh tế, nhưng không gây gánh nặng đồng đều đối với tất cả. Nhà phân tích cao cấp tại Moody’s, bà Claire Li cho biết những người thu nhập thấp sẽ chịu tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng lạm phát tăng cao, khi tất cả đều buộc phải chi tiêu cho các nhu yếu phẩm.

Các nhà bán lẻ đều cho rằng người tiêu dùng đang có xu hướng tập trung chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu, trong khi cố gắng quản lý ngân sách hằng tháng.

Tình hình giá cả và doanh thu tại Mỹ

Báo cáo thu nhập của các nhà bán lẻ trong những ngày gần cho thấy một bức tranh đan xen lẫn lộn về sức mua tại Mỹ. Trong khi chuỗi siêu thị bán lẻ Target ghi nhận doanh thu sụt giảm vào cuối tháng 10, thì Lowe’s – chuỗi cửa hàng các vật dụng nhà cửa – lại ghi nhận hoạt động kinh doanh phục hồi mạnh mẽ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10/2022 ở Mỹ đã tăng lên 7,7% so với tháng 10 năm ngoái, đồng nghĩa với mức tăng quy mô tương ứng trong doanh số bán hàng dịp lễ này sẽ tương đương với khối lượng hàng nhỏ hơn.

(Nguồn : bnews.vn)

Xem thêm :

Bình luận đã bị đóng.