Nhà đầu tư nghiệp dư thua lỗ vì chứng khoán Mỹ

0
250
nhà đầu tư nghiệp dư

Khi Wall Street lao dốc đầu năm nay, hàng triệu nhà đầu tư nghiệp dư cá nhân Mỹ kiếm được tiền suốt 2 năm qua phải tìm cách hãm phanh.

Hàng triệu nhà đầu tư nghiệp dư đã tham gia thị trường chứng khoán Mỹ trong đại dịch. Một số khá thận trọng, một số liều lĩnh, số khác quyết tâm dạy cho những tay chơi lớn tại Wall Street một bài học. Hầu hết họ kiếm được tiền khi thị trường liên tục đi lên 2 năm qua.

Nhà đầu tư nghiệp dư Shelley Hellmann

Nhưng giờ đây, họ phải vật lộn với tình cảnh ngược lại. “Giao dịch trong thị trường này không hề dễ dàng”, Shelley Hellmann – một cựu bác sĩ kiểm tra thị lực ở Texas cho biết. Bà đầu tư từ tháng 4/2020 khi bị cách ly khỏi gia đình.

Hellmann theo dõi thị trường bằng chiếc iPad Mini trong phòng ngủ. Bà kiếm lời lớn khi thị trường tăng điểm. Chỉ trong vài tháng, bà quyết định đầu tư 100% thời gian cho việc giao dịch. Tuy nhiên, kể từ khi chỉ số S&P 500 chạm đỉnh hôm 3/1, lợi nhuận bắt đầu khó kiếm.

“Thỉnh thoảng, tôi cũng thấy may mắn vì mình không lỗ cả năm”, bà nói

Các chỉ số của thị trường chứng giảm dần

5 tháng giảm khiến chỉ số S&P 500 tiến sát thị trường giá xuống – giảm 20% từ đỉnh gần nhất. Đây là mốc tâm lý quan trọng, cho thấy nhà đầu tư bi quan về nền kinh tế. Với việc giảm thêm 0,6% phiên 19/5, chỉ số này hiện đã mất gần 19% so với đỉnh tháng 1.

Hệ quả là rất nhiều người trong số 20 triệu nhà đầu tư nghiệp dư tham gia thị trường 2 năm qua bắt đầu hãm phanh, hoặc sắp xếp lại danh mục theo hướng an toàn hơn.

S&P Global Market Intelligence đã phân tích dữ liệu tháng 4 từ Charles Schwab và Interactive Brokers. Theo đó, hoạt động của nhóm nhà đầu tư cá nhân đã giảm 20% so với thời đỉnh điểm là tháng 1 và 2/2021.

Một số nền tảng giao dịch cho nhóm này cũng ghi nhận số người hoạt động ít hơn. Robinhood – sự lựa chọn của rất nhiều nhà đầu tư khi đại dịch mới xuất hiện – tháng trước cho biết có 15,9 triệu người dùng hoạt động trong tháng 3, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái và 8% so với cuối năm 2021.

Nhà đầu tư nghiệp dư Jonathan Colon

Jonathan Colon đã rời thị trường ngay khi xu hướng giảm bắt đầu. Anh đã bỏ vào tài khoản ở Robinhood 3.000 USD tháng 6/2021 và bán mọi thứ đầu năm nay, khi cổ phiếu bắt đầu giảm hồi tháng 1. Rút cục, Colon lỗ 100 USD.

“Nó giống như là khi còn nhỏ, bạn bị đánh vào tay vào lần và học được rằng mình không nên đến chỗ này, chỗ kia”, anh nói.

Colon (33 tuổi) năm nay sẽ tốt nghiệp Cao đẳng Brooklyn với bằng tài chính. Anh hứng thú với thị trường chứng khoán sau một cuộc thi mà các giáo sư trong trường tổ chức đầu năm ngoái. Với giả thiết danh mục 1 triệu USD, Colon tìm các công ty có vẻ đã bị bán quá mạnh để mua vào với giá rẻ, hoặc tìm các công ty có cổ phiếu giao dịch ở mức cao bất thường để bán khống.

Vài tháng sau, anh đổ tiền túi vào thị trường, nhưng không thể lặp lại lợi nhuận như trong cuộc thi. Một số mã không thể bán khống, và việc giao dịch thường xuyên cũng rất tốn kém.

Sau đó, thay vì giao dịch một giờ mỗi sáng, anh giảm xuống chỉ còn 2 lần mỗi tuần. Thị trường cũng bắt đầu biến động mạnh hơn và việc duy trì vị thế ngày càng khó. Anh thường xuyên phải bán cắt lỗ.

“Cứ mỗi lần anh nghĩ rằng thị trường sẽ không giảm nữa, nó lại giảm tiếp”, Colon nói. Khi chẳng còn mấy thời gian rảnh rỗi và thị trường cũng biến động hơn, anh quyết định bán hết “để giữ an toàn”.

Thomas Mason – nhà nghiên cứu cấp cao

Dù cơn sốt đầu tư không còn như trước, hoạt động của các nhà đầu tư cá nhân vẫn cao hơn tiền đại dịch. Thomas Mason – nhà nghiên cứu cấp cao tại S&P Global Market Intelligence cho rằng dù thị trường gần đây đi xuống, nhà đầu tư cá nhân không cần phải hoảng loạn. “Nhiều người đang phân bổ lại danh mục đầu tư, chuyển dần khỏi các cổ phiếu tăng trưởng rủi ro cao để sang các tài sản an toàn hơn”, ông nói.

Và kể cả nếu gu chọn cổ phiếu của họ thay đổi, nhóm này vẫn thích mua vào. Tính đến cuối tháng 4, TD Ameritrade cho biết khách hàng cá nhân của họ vẫn đang mua nhiều hơn bán. Họ chỉ chuyển sang những tài sản ít biến động hơn và ổn định hơn.

Hellmann

Hellmann nói rằng bà vẫn bám trụ thị trường, đã học được nhiều hơn và điều chỉnh lại cách tiếp cận của mình. Mỗi ngày, bà dậy lúc 3h sáng và đọc báo để lên chiến lược cho hôm đó. Bà nghiên cứu diễn biến giá cổ phiếu và cố dự đoán hướng đi để biết khi nào giá sẽ xuống.

Hellmann thường mua và giữ cổ phiếu. Bà bắt đầu với 50.000 USD – khoản tiền từ cổ phiếu ConocoPhillips thừa kế năm 2014 của người ông. Mùa thu năm ngoái, bà đổ tiền vào một quỹ ETF đặt cược vào giá khí đốt tự nhiên giảm. Tuy nhiên, giá khí đốt gần đây lại tăng vọt khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Dù vậy, giá trị danh mục của bà hiện vẫn gấp 5 so với đầu năm 2020, nhờ S&P 500 tăng gần 80% sau khi chạm đáy hồi tháng 3/2020.

Dan Egan – Phó giám đốc hành vi và đầu tư tại Betterment nhận định

Việc thua lỗ sau thời gian thị trường tăng cũng có điểm lợi, Dan Egan – Phó giám đốc hành vi và đầu tư tại Betterment nhận định. “Nếu bạn có trải nghiệm ban đầu tốt, bạn sẽ coi đây là một phần của cuộc chơi mà thôi. Chúng ta sẽ bị thị trường làm cho bầm dập vài lần, và bạn cần học được rằng việc này mang lại đau đớn thế nào”, ông nói.

Eric Lipchus

Eric Lipchus (40 tuổi) đã nếm trải cảm giác này nhiều lần trong gần 2 thập kỷ giao dịch toàn thời gian. Anh từng sở hữu quyền chọn mua cổ phiếu Lehman Brothers – ngân hàng đầu tư đã sụp đổ trong khủng hoảng tài chính 2008 – 2009. Trước đó, anh chứng kiến anh trai và cha mình bị nhấn chìm trong bong bóng dotcom.

“Tôi đang đi trên tàu lượn. Số tiền tôi kiếm được năm nay vẫn ổn, nhưng có lúc lên, lúc xuống. Năm nay có vẻ sẽ khó khăn, không lên nhiều như các năm trước”, ông nói.

Môi trường nhiều thách thức mà các nhà đầu tư phải đối mặt hiện tại có thể gây ra stress, Lipchus cho biết. Nửa danh mục của anh đang là tiền mặt. Lipchus cũng đã đặt tour câu cá trong vài tuần tới để thư giãn đầu óc.

Tìm hiểu thêm:

Nguồn: vnexpress (Theo NYT)

SHARE

Bình luận đã bị đóng.