Giới nhà giàu đổ xô mua Bitcoin

0
667
Giới nhà giàu đổ xô mua Bitcoin
Giới nhà giàu đổ xô mua Bitcoin

Giới nhà giàu đổ xô mua Bitcoin

Christian Armbruester đầu tư tiền ảo vài năm trước và giờ chỉ ước mình đã mua nhiều Bitcoin hơn.

Anh là nhà sáng lập Blu Family Office – một công ty đầu tư cho các khách hàng giàu có. Với kinh nghiệm của một nhân viên ngân hàng đầu tư, có gia đình phất lên nhờ ngành sản xuất và kim loại, anh tin rằng tiền ảo có chỗ đứng trong danh mục của mình. Với việc Bitcoin đã tăng hơn 270% kể từ khi chạm đáy một năm hồi tháng 3, anh đang tích cực đổ tiền vào đây và chờ thu về khoản lời lớn.

“Chúng tôi đang tìm kiểm các cơ hội giao dịch trong lĩnh vực rất hấp dẫn này”, Armbruester cho biết. Anh hiện quản lý 670 triệu USD tài sản cho Blu Family Office, trong đó đã bao gồm tài sản cá nhân của Armbruester.

Christian Armbruester - nhà sáng lập Blu Family Office. Ảnh: Blu Family Office

Christian Armbruester – nhà sáng lập Blu Family Office. Ảnh: Blu Family Office

Dĩ nhiên, Armbruester không cô đơn. Tỷ phú truyền thông Mexico Ricardo Salinas Pliego gần đây cho biết trên trang cá nhân rằng ông đã đầu tư 10% tài sản thanh khoản cao của mình vào Bitcoin. Các huyền thoại của Wall Street, như Stanley Druckenmiller, Paul Tudor Jones và Bill Miller cũng ủng hộ việc mua Bitcoin.

Video trên CNBC tháng trước của Rick Rieder – một giám đốc quản lý quỹ có ảnh hưởng lớn – mà ông nói rằng Bitcoin “sẽ được chấp nhận rộng rãi” đã thu hút 874.000 lượt xem trên Twitter – cao hơn nhiều các video trước của ông về Covid-19 hay chính sách tiền tệ.

“Những điều này cho thấy Bitcoin đang thu hút sự chú ý và cả trí tưởng tượng của rất nhiều người”, Larry Fink – CEO gã khổng lồ đầu tư BlackRock, đồng thời là sếp của Rieder cho biết trong một hội thảo đầu tháng này, “Tuy nhiên, đây vẫn là một thị trường chưa được kiểm chứng và khá nhỏ so với các thị trường khác”.

Trong đợt tăng vọt gần nhất của Bitcoin năm 2017, phần lớn nhà đầu tư giàu có đứng ngoài cuộc chơi. Bitcoin khi đó được coi là công cụ rửa tiền trong thế giới ngầm kỹ thuật số, khiến nhiều người trong giới tài chính truyền thống e sợ. Warren Buffett gọi Bitcoin là “sự ảo tưởng”, còn Jamie Dimon cho rằng đó chỉ là “một trò lừa đảo”.

Hàng loạt quốc gia đã siết quy định quản lý Bitcoin. Chính phủ Ấn Độ hồi tháng 9 dự định công bố luật cấm giao dịch Bitcoin. Trung Quốc năm 2017 cấm huy động vốn bằng phát hành tiền ảo (ICO) và kêu gọi các sàn trong nước ngừng mua bán tiền ảo.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đến nay vẫn khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp trong nước. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.

Đến nay, Bitcoin vẫn chưa chứng minh được nó sẽ trở thành một dạng tiền tệ được chấp nhận toàn cầu. Rất nhiều nhà đầu tư giàu có như Armbruester tin rằng các tiền ảo khác, như Ethereum có thể còn có giá trị hơn. Bên cạnh đó, so với cổ phiếu, trái phiếu hay hàng hóa, tiền số được giao dịch trong một thị trường mờ mịt, đầy rẫy hoạt động đầu cơ và được xây dựng trên nền tảng công nghệ không phải ai cũng am hiểu. Trên hết, Bitcoin nổi tiếng có biến động giá rất lớn. Tuần trước, Bitcoin có thời điểm mất 8,5% trong tuần.

Dù vậy, các nhà đầu tư giàu có đang nhìn nhận lại Bitcoin khi đồng tiền này ngày càng được chấp nhận bởi các người chơi có quyền lực, như PayPal hay Visa. Cả hai đều đã cho phép người dùng sử dụng Bitcoin. Miller là một trong những nhà đầu tư truyền thống cho rằng sự ổn định của Bitcoin và công nghệ khối chuỗi đằng sau nó đang ngày càng củng cố sức mạnh cho tiền số này.

Nhiều nhà đầu tư khác thì chọn cách ủng hộ thế hệ dữ liệu và phần mềm tài chính mới lấy cảm hứng từ Bitcoin. “Chúng tôi đã đầu tư vào khối chuỗi và các quỹ tập trung vào công nghệ sổ cái phân phối gần đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều này”, Bobby Console-Verma – Giám đốc hãng công nghệ 1fs Wealth, đồng thời quản lý tài sản cho công ty đầu tư của mình, cho biết.

Khi sở hữu Bitcoin, nhà đầu tư có nhiều cách để đổi chúng lấy tiền mặt. Phổ biến nhất là thông qua các sàn giao dịch bên thứ ba, như Coinbase, Kraken hay Bitstamp. Nhà đầu tư sẽ phải lập tài khoản trên các sàn này để mua bán, dĩ nhiên mất phí. Cách thứ hai là sử dụng các nền tảng trao đổi ngang hàng (P2P), như LocalBitcoins hay Paxful để tìm người mua và không qua trung gian. ATM Bitcoin được lắp đặt tại một số nơi trên thế giới cũng là một lựa chọn. Thậm chí, nhiều người chỉ đơn giản là chuyển Bitcoin cho bạn bè, người thân để đổi lấy tiền mặt.

Năm nay, động thái bơm tiền của các ngân hàng trung ương và chính phủ đã khiến các nền kinh tế ngập trong tiền mặt và lãi suất bị đẩy xuống gần 0%. Làn sóng nới lỏng khổng lồ này được dự báo tiếp tục trong năm sau. Điều này càng khiến tiền số nổi lên là tài sản thay thế.

“Thông thường, trong thời kỳ khủng hoảng, mọi người sẽ đổ xô gom tiền mặt. Nhưng ai mà muốn có nhiều tiền mặt khi các nền kinh tế lớn đang hạ giá nội tệ chứ?”, Kevin Murcko – nhà sáng lập kiêm CEO CoinMetro cho biết, “Anh có thể nói rằng Covid-19, bầu cử Tổng thống Mỹ, Brexit và toàn bộ những gì xảy ra năm nay đã thay đổi quan điểm của giới tài chính truyền thống về tài sản số”.

Không ai biết xu hướng này có thể kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, các nhà phân tích tại JPMorgan Chase & Co cho biết nhà đầu tư đang rút tiền khỏi các quỹ vàng đúng thời điểm Bitcoin giành được sự ưa chuộng của nhiều tổ chức. Grayscale Bitcoin Trust đã nhận được 2 tỷ USD kể từ tháng 10, trong khi các quỹ ETF vàng bị rút đi 7 tỷ USD, theo báo cáo tuần trước của JPMorgan.

Tính toán của giới phân tích cho biết Bitcoin hiện chỉ chiếm 0,18% tài sản của các quỹ đầu tư gia đình, so với 3,3% của các quỹ ETF vàng. Cán cân chỉ cần nhích một chút từ vàng sang tiền số cũng đồng nghĩa với sự dịch chuyển của hàng tỷ USD. “Quá trình nhà đầu tư tổ chức chấp nhận Bitcoin chỉ mới bắt đầu”, nhóm phân tích của Nikolaos Panigirtzoglou nhận định.

Tania Modic – một nhà đầu tư giàu có tại Nevada đã mua Bitcoin nhiều năm nay, một phần vì chi phí nắm giữ và lưu trữ ít rắc rối hơn vàng vật chất trong vai trò “công cụ cất trữ giá trị”. Dù vậy, bà cho rằng các yếu tố về tâm lý và văn hóa cũng khiến người giàu đổ xô mua tiền số.

Đầu tiên là tâm lý sợ bị lỡ mất cơ hội. Thứ hai là người trẻ đang giao dịch Bitcoin sôi nổi trên các ứng dụng như Robinhood. Giao dịch Bitcoin trên eToro – sàn phổ biến với các nhà đầu tư nghiệp dư châu Âu và châu Á – hiện lên gần mốc đỉnh xác lập cuối năm 2017. Số phụ nữ tham gia trên sàn này cũng gấp đôi 3 năm trước.

“Họ đổ tiền vào Bitcoin vì sợ lỡ mất con tàu tiền số”, Modic nói, “Đừng quên là họ còn con cháu hỗ trợ đằng sau nữa”.

Hà Thu (theo Bloomberg)

Bình luận đã bị đóng.